Mỗi dịp Tết đến xuân về, ai cũng nghĩ tới những người kém may mắn và muốn họ cũng được hưởng một cái Tết dẫu không sung túc nhưng cũng đủ đầy theo phong tục dân tộc, vì thế, càng có nhiều người làm từ thiện. Việc làm từ thiện là đạo lý “thương người như thể thương thân” trong cộng đồng của người Việt Nam ta. Nhưng làm từ thiện mà không khéo lại rất dễ khiến người được nhận tổn thương, chạnh lòng.
Cổ nhân có câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người ai sinh ra cũng có sẵn tính thiện. Nếu trong cuộc sống ta biết phát huy tính thiện ấy để đem lại niềm vui cho người khác thì là điều hạnh phúc cho ta và cả người được nhận. Nhiều năm qua, làm việc thiện luôn là nghĩa cử cao đẹp của ngưòi Việt Nam. Tuy nhiên có những khi đi làm từ thiện cũng phải lựa bởi ngưòi nghèo rất hay bị tổn thương. Vậy nên làm từ thiện cũng cần phải có văn hoá – văn hóa từ thiện.
Thảo thơm những tấm lòng vàng
Nước Việt Nam ta luôn có bão lũ và thiên tai. Những khó khăn trước mắt tất sẽ bị đẩy lùi nhờ sự chung tay góp sức “nhường cơm sẻ áo” với truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Thông thường, cứ sau mỗi đợt thiên tai, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ở các cấp lại kêu gọi những tấm lòng hảo tâm đóng góp vào quỹ từ thiện ủng hộ cứu trợ đồng bào vùng bão lũ. Biết bao quần áo, sách vở, thuốc men, những gói mì tôm giúp người dân vững dạ cầm hơi lúc đói lòng và những hạt giống cây trồng đã đến kịp thời tận tay người nhận, tái sinh lại những cánh đồng ngập trắng nước. Người trao gửi cũng muốn tấm lòng mình được đến tay người nhận, còn người nhận cũng cảm nhận được tấm lòng thơm thảo của người gửi vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Những năm qua, hình ảnh bao doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện xã hội đến với các vùng bị thiên tai để chung tay góp sức chia sẻ khó khăn, giúp người dân sớm vượt qua đau thương, mất mát đã để lại những ấn tượng đẹp về tinh thần tương thân, tương ái của văn hóa Việt. Tuy nhiên, để sự hỗ trợ, cứu trợ có sức lan tỏa hơn nữa, cao đẹp hơn nữa, rất cần giữ vững chuẩn mực về văn hóa từ thiện.
Không chỉ thiên tai mới làm con người ta lâm vào cảnh nghèo khó. Đôi khi số phận khắc nghiệt cũng đã khiến người ta trở nên bất hạnh: Một tai nạn bất ngờ đến cướp đi cha mẹ của các em, khiến các em trở thành trẻ mồ côi. Một đứa trẻ sinh ra đã không lành lặn đầy đủ như các bạn: vậy là các em trở thành người tàn tật, rất dễ tổn thương vì nghĩ mình sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đôi khi sự ngược đãi của chính những người thân, nạn bạo hành về tinh thần và thể xác, xâm hại tình dục, bị lừa dẫn đến các tệ nạn xã hội, bị bán … cũng rất cần nhận được giúp đỡ chở che của cộng đồng. Lúc ấy, các em rất cần những vòng tay giang ra cứu giúp, định hướng và vạch cho các em một tương lai tốt đẹp hơn. Đôi khi chỉ là một lời động viên hỏi han, một bát cơm đỡ lúc đói lòng. Cũng có khi tạo cho các em một nghề nghiệp nào đó ổn định hay một gia đình với đầy đủ “mẹ”, “anh chị em” trong các nhà mở, mái ấm là đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp.
Các sĩ tử đi thi phải xa nhà, biết bao khó khăn vất vả cho kỳ thi “vượt vũ môn”. Các cụ có câu “sểnh nhà ra thất nghiệp”. Những lúc như vậy rất cần đến cộng đồng và những tấm lòng hảo tâm từ thiện. Thật cảm động biết bao trước những bữa cơm miễn phí, những phòng trọ miễn phí của các nhà hảo tâm. Hay những “nồi cháo nhân nghĩa” tại các bệnh viện cho bệnh nhân nghèo, những “suất cơm 5 nghìn” mấy năm nay vẫn được bán ở bệnh viện nhi Hà Nội… Đó là những tấm lòng vàng. Đâu cứ phải món quà đắt tiền mới là sẻ chia. Chỉ cần ta tìm đến với người cần giúp đỡ, giúp họ những gì có thể một cách kịp thời đúng lúc mà không cần trả ơn. Đó là thể hiện nét văn hoá trong khi làm từ thiện.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, ai cũng nghĩ tới những người kém may mắn và muốn họ cũng được hưởng một cái Tết dẫu không sung túc nhưng cũng đủ đầy theo phong tục dân tộc, vì thế, càng có nhiều người làm từ thiện. Việc làm từ thiện là đạo lý “thương người như thể thương thân” trong cộng đồng của người Việt Nam ta. Nhưng làm từ thiện mà không khéo lại rất dễ khiến người được nhận tổn thương, chạnh lòng.
Đôi khi bạn không có của, nhưng bạn có tâm. Khi bạn làm cầu nối giữa người cần cho và người cần nhận, vậy là bạn đã tham gia làm từ thiện một cách có văn hoá. Trong mỗi con người ai cũng có lòng tốt, chỉ cần biết khơi lên lòng nhân hậu đó thì sẽ có được rất nhiều sự sẻ chia của những tấm lòng vàng. Người viết bài này đã nhiều năm nay tham gia làm từ thiện, tuy bận rộn nhưng thấy rất vui. Lúc thì theo chân các SVTN đến các bản làng xa xôi vùng núi tỉnh Hoà Bình bằng dự án thư viện vùng cao. Khi thì cùng tham gia phát quà cho trẻ em nghèo bất hạnh ở bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, xóm chạy thận Hào Nam. Lúc lại tham gia chương trình quyên góp sách giáo khoa, “áo trắng giúp bạn đến trường” cho trẻ em nghèo các tỉnh miền Trung; hoặc làm Tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ DONXA tìm tài trợ cho trẻ em nghèo mổ tim, mổ dị tật vận động và dị tật khúc xạ mắt miễn phí. Nhiều khi giúp đỡ họ thành công thấy vui, nhưng khi không thành công lại thấy sao mà buồn vì quanh ta vẫn còn nhiều trẻ em nghèo bất hạnh.
Làm việc thiện cũng cần có văn hoá
Làm việc tốt đã khó, làm từ thiện lại càng khó hơn. Bởi có của để “cho tặng” mà không có thái độ đúng mực thì rất dễ bị người khác đánh giá. Khi ta đến với người nghèo, kém may mắn, cần bằng tình cảm chân thành và sự sẻ chia thật lòng.
Đáng buồn khi chứng kiến: một số người đẹp sau khi đăng quang đã đến các trại trẻ mồ côi tặng quà. Trước ống kính máy quay, người đẹp có thể bế một em nhỏ bất hạnh trên tay, trao gửi những món quà ý nghĩa. Nhưng liền sau đó, cô đã khéo léo phủi bụi trên bộ váy của mình, hoặc thấy em nhỏ ngã không đỡ lên. Thật không đẹp chút nào khi ngoài đời các cô gặp những em bé ăn xin lại dễ dàng ngoảnh mặt đi, thậm chí còn tỏ vẻ khó chịu, hoặc buông những lời nói không hay một chút nào. Hay có những người đẹp đến với đồng bào lũ lụt mà ăn mặc quá … xa lạ với họ. Như vậy món quà tặng dù có giá trị lớn đến đâu cũng mất hết ý nghĩa. Bởi họ xa lạ, không có sự hoà đồng về phong cách tâm hồn.
Với người nhận: Các cụ ta đã dạy: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những khi ta cơ nhỡ hàn vi khó khăn bất hạnh, nhận được sự sẻ chia giúp đỡ của người khác. Ta cần trân trọng những tấm lòng ấy. Đừng nhìn vào giá trị món quà mà đánh giá người tặng, cần nghĩ đó là cả tấm lòng, là sự chia ngọt sẻ bùi. Đôi khi chỉ một củ khoai ta nhận được lúc đói lòng, một manh áo được san sẻ lúc giá rét cũng giúp ta ấm lòng hơn vì được sẻ chia. Nhưng có khi người ta cho cả “núi vàng” mà “vứt toẹt” ngay trước mặt thì sự giúp đỡ lúc đó trở thành sự bố thí, rất đáng coi thường. Các cụ đã nói “Của cho không bằng cách cho” là thế đó. Tự trọng luôn là một phẩm chất hàng đầu của đạo đức. Khó khăn đến mấy vẫn phải giữ tự trọng. Người được hỗ trợ, cứu trợ trước khi nhận vật chất cần cảm nhận được tấm lòng cưu mang nhân ái không vụ lợi của người cho. Người đến cứu trợ, hỗ trợ đương nhiên cũng phải thể hiện rõ tấm lòng tình nghĩa không vụ lợi. Đó là tự trọng của người cho, tặng. Bởi cho tặng tức là mang cả tấm lòng của ta tặng cho người khó khăn cần giúp đỡ chứ không phải là ban ơn, bố thí. Và người được cho tặng cũng cảm nhận được tấm lòng thơm thảo ấy qua cách cho tặng, hỗ trợ cứu trợ.
Những năm qua, hình ảnh các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện xã hội đến với các vùng bị thiên tai để chung tay góp sức chia sẻ khó khăn, giúp người dân sớm vượt qua đau thương, mất mát đã để lại những ấn tượng đẹp về tinh thần tương thân, tương ái của văn hóa Việt. Tuy nhiên, để việc làm ý nghĩa nhân văn ấy có sức lan tỏa hơn nữa, cao đẹp hơn nữa, rất cần giữ vững chuẩn mực về văn hóa từ thiện.
Bên cạnh những hình ảnh đẹp ấy, rất đáng buồn và lên án những người đã “mang danh” cứu trợ để trục lợi. Có những người mang tặng cho những bộ quần áo không còn mặc được, hoặc sách giáo khoa đã lỗi thời lạc hậu. Hay tặng gói quà trị giá “một đồng” mà phải bắt người ta lặn lội nhiều cây số đến nhận, lại còn phải cầm gói quà rất lâu để quay phim chụp ảnh nhằm đưa lên báo để đánh bóng tên tuổi người cho tặng. Có những nơi do bệnh thành tích hoặc muốn làm cho xong chuyện đã gom những đồ cứu trợ không còn dùng được đem cho người nghèo khó. Đã có chuyện quần áo tặng đem làm giẻ lau, sách giáo khoa cho trẻ em đều là những cuốn chương trình cũ. Đáng lên án những kẻ trục lợi từ việc làm từ thiện “ăn chặn” quỹ cứu trợ của người nghèo. Những kẻ đó đáng bị xã hội và những người có lương tâm phỉ nhổ. Người nghèo khó vốn trông chờ ở lời hứa của người khác bởi nó giúp người ta phần nào vơi bớt khó khăn trước mắt. Nhưng nếu ta tặng họ những thứ không dùng được cốt để cho xong, để lấy thành tích thì càng làm họ tổn thương hơn. Trong cứu trợ, hỗ trợ rất cần có lòng tự trọng từ hai phía. Những gì ta tặng cho người khác đều phải còn dùng được, được người nhận trân trọng, mới vui. Người nghèo rất dễ bị tổn thương và cũng giàu lòng tự trọng. Người làm từ thiện cần biết rằng khi ta đến với họ là tình nghĩa, không vụ lợi. Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp, trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, cứu trợ là một đạo lý sống của người Việt, dẫu không nói ra nhưng ai cũng biết.
Người Việt nam ta vốn có truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”. Với một đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, lại gánh chịu nhiều thiên tai lũ lụt thì truyền thống ấy càng cần phát huy hơn bao giờ hết. Mặc dù xã hội đang ngày một phát triển, nhưng quanh ta vẫn có rất nhiều người cần cưu mang giúp đỡ, và vẫn có rất nhiều tấm lòng vàng sẵn sàng sẻ chia cùng họ. Nhiều tổ chức cá nhân đã là địa chỉ đáng tin cậy để người nghèo bất hạnh, gặp hoạn nạn được sẻ chia và nhận được điều an ủi, giúp họ vơi đi phần nào những khó khăn, tiếp thêm nghị lực để vượt qua những bất hạnh trong cuộc sống.
Làm từ thiện cũng cần có văn hoá: văn hóa từ thiện. Các cụ ta có câu: “Làm ơn chớ nên nhớ, chịu ơn chớ nên quên” là để nhắc nhở những người nhận tấm lòng thơm thảo ấy không nên quên những gì ta được nhận lúc hàn vi đói khổ, ngược lại cũng nhắc nhở những ai đã làm điều thiện không nên nhăm nhăm nhắc mãi điều ấy, vô tình sẽ làm mất đi sự tốt đẹp của nghĩa cử đó. “Lá lành đùm lá rách” là đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Mọi người hãy thương yêu san sẻ vật chất, động viên tinh thần, nhường cơm sẻ áo giúp nhau trong hoạn nạn khó khăn. “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái” – đó cũng chính là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của người dân Việt Nam.
Nguyễn Thị Diệp ( Hiệu trường THCS Di Trạch – Hoài Đức – Hà Nội)