Tiêu dùng có đạo đức

22 lượt đã xem

“Cũng như chất lượng sản phẩm, hãy xem thứ bạn mua mang lại điều gì cho chất lượng cuộc sống của những người làm ra nó, và tác động của nó đối với môi trường. Thời trang và sản xuất có đạo đức là những tiểu ngành đang nở rộ, phần vì những bi kịch như thảm họa Rana Plaza ở Bangladesh năm 2013, khi hơn 1.100 công nhân may mặc đang làm việc cho nhiều nhãn hiệu thời trang tiếng tăm trên thế giới thiệt mạng vì một vụ sập nhà xưởng. Trong khi đây là một sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm vì mức độ khủng khiếp của nó, vẫn còn vô vàn trường hợp lao động mất an toàn tương tự và tiền công rẻ mạt đối với công nhân may mặc, những người mang lại cho chúng ta chiếc áo phông và quần bò giá 5 đô la, chưa bằng một chiếc pizza. Điều tồi tệ hơn nữa là các nhãn hiệu thời trang cao cấp lại tính một mức giá cao khủng khiếp cho những bộ đồ được may trong những nhà xưởng ấy, nơi công nhân chỉ được trả đồng lương rẻ mạt – có người chỉ nhận được 60 đô la một tháng.

Tiêu dùng có đạo đức

Không chỉ là câu chuyện bi kịch nhất khi xét về khía cạnh nhân quyền, ngành thời trang giá rẻ tiện lợi còn đứng thứ hai sau những công ty dầu hỏa lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường. Và đây mới chỉ là ngành thời trang – chúng ta thậm chí còn chưa tính đến ngành xây dựng, ô tô, điện tử, đồ nội thất, dầu cọ…

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà bản thân có thể tạo ra sự khác biệt và ủng hộ các thương hiệu đang làm điều gì đó cho những vấn đề ta quan tâm. Với tôi, đó là điều kiện làm việc công bằng cho nhân viên và sản xuất bền vững. Đó là lý do tôi ủng hộ những thương hiệu có đạo đức như Patagonia. Dù với bạn, vấn đề quan trọng nhất là gì, hãy quyết định ủng hộ những người làm việc tốt trong thế giới này, và thừa nhận rằng bạn có khả năng đóng góp vào những vấn đề quan trọng đối với bạn bằng cách mua đồ có ý thức.

Để có thể tách mình ra khỏi vòng luẩn quẩn ngày càng rối rắm: muốn – mua – lọc bỏ – muốn – mua – chất thêm đồ, chúng ta cần biết thứ gì đáng quan tâm nhiều, thứ gì đáng quan tâm ít. Hơn nữa, hãy nghĩ đến cảm giác nhẹ nhàng khi bớt quan tâm đến đồ đạc. Một khi những xu hướng, dự đoán và những thứ tân tiên nhất… bớt có nghĩa với bạn, bạn có thể khai quật được một lớp địa chất hạnh phúc mới. Nó đã bị phủ kín bởi những-món-phải-có và những-thiết-bị-mới-nhất-mùanày, nhưng nó ở đó, chờ đợi được ra tay giúp bạn quên đi tất cả các xu hướng và so sánh này, chờ đợi bạn có thể buông bỏ.

Bởi thế hãy ôm đồm ít đi. Hãy bắt đầu đặt câu hỏi về những xu hướng này và tự vấn liệu nhu cầu đó có thật sự cần thiết hay chỉ là mong muốn nhất thời mà thôi. Hãy bớt quan tâm đến cái tôi của bạn. Bớt quan tâm đến việc mua sắm, sở hữu. Bớt quan tâm đến những ham muốn nhất thời. Bớt quan tâm đến ý kiến của những người mà bạn sẽ không bao giờ biết. Và vâng, hãy bớt quan tâm đến “người ta”.

Nhưng ngược lại, cũng hãy quan tâm nhiều hơn. Quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng và việc chia sẻ nguồn tài nguyên. Quan tâm nhiều hơn đến chất lượng. Quan tâm nhiều hơn đến những thứ bạn đã có và đã dùng. Hãy quan tâm nhiều hơn đến những người làm ra chúng. Quan tâm nhiều hơn đến hành tinh này. Nếu bạn cần mua thứ gì đó, hãy mua hàng tốt. Hãy tìm kiếm hàng tốt nhất hợp với túi tiền của bạn. Hãy tìm kiếm những thứ có thể sử dụng nhiều lần và nhiều mục đích. Hãy tìm kiếm những thứ có thể mang cho người khác khi bạn không cần nữa. Nếu bạn có đủ tiền, hãy mua chiếc quần bò tốt hơn, ghế sofa vững chắc hơn, chiếc xe đẩy dùng được đến tận khi con đi mẫu giáo, những chiếc kính râm trường tồn cùng thời gian, những chiếc cốc cà phê tái sử dụng nhiều lần. Hãy tận dụng món đồ tối đa và xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra.

Ngay cả khi đang viết những dòng này, tôi vẫn cảm thấy có chút vô dụng đang trườn qua đầu: Những hành động của mình có quan trọng không? Có thể có cảm giác như bạn là một giọt nước giữa biển khơi; không ai chú ý đến, chẳng có gì đổi thay. Ngoại trừ việc người ta có chú ý và tình hình có đổi thay. Theo thời gian, người ta bắt đầu để ý đến những gì bạn đang làm, đến cách bạn đang sống, đến những quyết định của bạn và lý do bạn quyết định thế.

Bạn ngừng tiêu tiền và một nhãn hiệu chú ý đến điều này. Bạn nói với họ lý do, họ lắng nghe bạn. Có thể bạn cảm thấy lạc lõng trước tất cả điều này, nhưng lựa chọn của bạn mới quan trọng. Và nếu có đủ người góp sức cũng như bắt đầu nói về cùng một thứ, người ta sẽ không thể nào không nghe. Và giống như ý tưởng được trích dẫn thường xuyên, một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, một con người đơn độc không thay đổi được thế giới, nhưng họ có thể thay đổi thế giới của một người, chúng ta cần cảm thấy lạc quan và tự tin rằng lựa chọn của mình mới là quan trọng. Bởi thế, đừng cảm thấy quá choáng ngợp, chỉ cần bạn hành động. Phần nhiều giống với việc tối giản và lọc bỏ đồ, việc tạo ra những thay đổi dù nhỏ nhoi nhưng bền bỉ theo thời gian sẽ đẩy bạn đi xa hơn là bước một bước tiến dài nhưng được chăng hay chớ.”

Trích sách SỐNG CHẬM MÀ CHẤT – cuốn sách giới thiệu về nền tảng của cuộc sống chậm – mục đích, sự đơn giản, chánh niệm, cân bằng và kết nối. Cùng với đó là những gợi ý nhỏ để khuyến khích bạn những bước tiến đầu tiên trong việc tạo ra cuộc sống chậm theo giá trị của mình, chứ không phải theo giá trị của người khác.

[Nguyen An]