Trong một giờ học vật lý, thầy giáo bỗng hỏi cả lớp:
“Tại sao trong ô tô lại cần có phanh xe?”
Câu hỏi dường như quá đơn giản, một học sinh đã xung phong trả lời:
“Thưa thầy, là để dừng xe”
“Theo em là để giảm và kiểm soát tốc độ của xe” – một học sinh khác có ý kiến.
“Để tránh va chạm ạ” – một học sinh nữa đứng lên trả lời.
Sau đó, đa số các học sinh cũng đều có những câu trả lời tương tự. Thấy vậy, thầy giáo mỉm cười và nói ra đáp án của mình:
“Tôi đánh giá cao tất cả các câu trả lời của các em, tuy nhiên, tôi lại có góc nhìn của riêng mình. Theo tôi, phanh xe trong ô tô là để giúp nó chạy nhanh hơn”.
Nghe thấy vậy, các học sinh đều ngơ ngác nhìn nhau không hiểu thầy giáo đang nói gì. Lúc này, thầy giáo mới từ tốn giải thích:
“Thế này nhé, giả sử chiếc ô tô chúng ta đang đi không có phanh, thì các em sẽ dám lái nó với tốc độ tối đa là bao nhiêu? Chắc chắn là vì không có phanh nên các em sẽ không dám đi nhanh đúng không? Chính vì thế, chiếc phanh đã cho chúng ta dũng khí để lái nhanh hơn”.
Tất cả các học sinh đều im lặng. Đây là điều các em chưa từng nghĩ tới.
Thầy giáo tiếp tục:
“Tương tự như vậy, trong cuộc sống này cũng có rất nhiều chiếc phanh cho chúng ta. Chúng chính là những khó khăn, thử thách kìm hãm chúng ta vào một lúc nào đó.
Thế nhưng, sao ta không nhìn khác đi? Sao không cho rằng chúng cũng chính là động lực để ta tiến nhanh về phía trước? Để giúp chúng ta an toàn và tránh được những nguy hiểm, rủi ro? Giống như chiếc phanh vậy. Đôi khi, để đi được nhanh hơn, chúng ta cần phải dừng lại hoặc lùi về phía sau. Chúng ta nên biết ơn những chiếc phanh như vậy”.
Đến đây, nhiều học sinh từng so sánh cha mẹ họ giống như những cái phanh luôn níu kéo kìm hãm họ, luôn đạp thắng trong khi họ đang muốn đạp ga xả láng, chợt bừng tỉnh hiểu ra:
Vì cha mẹ họ muốn họ đi nhanh hơn, an toàn hơn trong cuộc đời.
[sưu tầm]