Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…

33 lượt đã xem

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…

“Bọn trẻ bây giờ ỷ lại quá”, nhiều bậc phụ huynh ngán ngẩm lắc đầu nhìn theo những cô cậu tóc vàng tóc đỏ ngồi xe đạp điện phóng vút đi học để… trốn việc nhà.

Không những ỷ lại, thậm chí rất nhiều bạn trẻ do gia đình có điều kiện, kinh tế khá giả lại hiếm hoi con cái, trở thành trung tâm của cả nhà nên còn kèm cả tính ích kỉ, thừa thông minh nhưng thiếu lòng trắc ẩn.

Những tính xấu như vậy không những khiến người trẻ “mất điểm” mà lâu dài còn tạo nên những lỗ hổng lớn trong nhân cách, đạo đức, hình thành lối sống không lí tưởng, không mục đích.

Suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, vì độc lập tự do, người Việt đã sống với tâm nguyện cháy hết mình như ngọn đuốc để cống hiến, hi sinh cho đất nước. Biết bao tâm gương chói sáng khi tuổi đời còn rất trẻ. Những anh hùng cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, những người con gái đất đỏ Võ Thị Sáu, La Văn Cầu chặt cánh tay phá đồn địch, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai… đã dùng máu của mình để viết nên trang sử hào hùng của thanh niên Việt Nam.

Rồi 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, rồi Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm cùng biết bao thanh niên xung phong, bao dân công hỏa tuyến, những người có tên và không tên, bao nhiêu người “Lớp cha trước lớp con sau/ Thành tình đồng chí chung câu quân hành” để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Biết bao phong trào được hưởng ứng nhiệt liệt để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở hậu phương lớn miền Bắc và ủng hộ tiền tuyến lớn miền Nam như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”. Dù trực tiếp cầm súng hay lao động sản xuất đều thực hiện lời Bác Hồ dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Được sống, được chiến đấu, lao động, được hi sinh vì đất nước là một hạnh phúc với những người trong thời đại ấy.

Đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lại biết bao tấm gương trẻ tuổi đã lên đường đi làm kinh tế mới, xông pha vào những nơi khó khăn gian khổ, tìm tòi phương cách làm giàu cho đất nước. Ở lĩnh vực nào cũng luôn có những người trẻ với nhiệt tình, tâm huyết, sự táo bạo và hăng say của tuổi trẻ ghi dấu những chiến công.

Những năm tháng đất nước gặp nhiều khó khăn, mỗi gia đình đều phải đối mặt với sự nghèo đói, mỗi cá nhân đều phải tự giác làm việc. Ai ai cũng đều nhớ như in trong đầu kí ức “ăn bo bo”, vừa đi học, vừa tăng gia sản xuất…

Sự chăm chỉ cùng ý thức tự giác, lòng thương yêu cha mẹ, ông bà đã khiến các bạn trẻ lúc bấy giờ chăm lo lao động, làm tròn bổn phận của mình để giúp đỡ gia đình một cách tự nguyện, coi như việc phải làm.

Không nói đến những gia đình làm nông nghiệp, ngay cả ở thị trấn, với những gia đình bố mẹ làm công nhân, công chức, những đứa trẻ mới học lớp 2, lớp 3 đã biết gánh nước, nấu cơm, nấu cám lợn, cho lợn ăn, giã bột, bón cơm, tắm rửa cho em, ru em ngủ, dọn dẹp nhà cửa là chuyện rất bình thường.

Những đứa trẻ học lớp 6, lớp 7 đã biết cắt cỏ, nhổ sắn, kiếm củi, tự tìm ra cái ăn bằng việc mò cua bắt ốc, đánh bắt cá cũng không phải là hiếm. Bởi lúc đó người lớn còn phải lo đi làm việc, kiếm thu nhập, có rất ít thời gian chăm lo cho gia đình. Lớn thêm chút nữa, nhiều thanh niên còn phải phụ giúp cha mẹ kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Thời buổi khó khăn, ai nấy đều vất vả, song sự lao động và ý thức giúp đỡ người thân trước hết đã tạo nên những tâm hồn trong sáng, giàu lòng nhân ái, sống có trách nhiệm và bản lĩnh và cả rèn luyện sức khỏe.

Bây giờ, đất nước đã hội nhập và phát triển, kinh tế đã khá giả, nhiều gia đình thậm chí giàu và rất giàu. Người trẻ không phải vất vả, khó khăn như ông bà, cha mẹ, anh chị họ. Người trẻ hoàn toàn có quyền đòi hỏi được hưởng thụ những gì tốt đẹp nhất để sống đủ đầy như các bạn trẻ ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Sự thực đã là như vậy.

Những thiết bị công nghệ mới nhất, những món đồ thời trang nhất, những bản nhạc, bộ phim thời thượng nhất, những thương hiệu thức ăn nổi tiếng, những xu hướng, trào lưu, cả xe cộ, cả phương tiện và kĩ thuật, những gì thế giới có thì Việt Nam cũng không thiếu để phục vụ nhu cầu liên tục cập nhật cái mới của giới trẻ.

Song, dường như sự đủ đầy ấy, bên cạnh những lợi ích đem lại cũng đã tạo nên một sự biến chuyển khá lớn với người Việt trẻ. Đó là tâm lí hưởng thụ mà quên đi cống hiến, đó là sự lười biếng, ỷ lại, là sự mặc nhiên đòi hỏi mà chưa bao giờ tự nghĩ mình đã làm gì để xứng đáng được nhận những điều ấy.

Nói như vậy không có nghĩa là người Việt trẻ càng được sống sung sướng thì càng… xấu. Người Việt trẻ ngày càng có nhiều thành tích trên đấu trường trí tuệ, nhan sắc, thể thao… của thế giới.

Còn rất nhiều tấm gương quên mình cứu bạn, trả lại của rơi, vượt lên hoàn cảnh khó khăn để đạt thành tích tốt trong học tập, lao động… Cũng có rất nhiều phong trào tình nguyện, tương thân tương ái, mang sức trẻ và lòng nhiệt huyết thanh xuân và ân tình ân nghĩa đến với đồng bào khó khăn, làm đẹp cho thành phố mình đang sống.

Song, bên cạnh đó, trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là ở các thành phố lớn, rất nhiều bạn trẻ đang bộc lộ những nhược điểm mà các thế hệ trước rất ít có. Chẳng hạn như việc lười lao động.

Bây giờ khó có thể tìm ra những bạn trẻ 15, 16 tuổi biết nấu cơm rửa bát quét nhà. Lại càng hiếm hơn việc họ tự giác làm những việc “to tát” hơn như trông em, giúp đỡ cha mẹ quán xuyến nhà cửa. Cuộc sống khá giả, bố mẹ chỉ “khiến” con cái tập trung vào việc học cũng là một nguyên nhân.

Điều đáng nói là tinh thần chủ động, chia sẻ của người trẻ đã đi xuống rất nhiều. Nhiều “cậu ấm, cô chiêu” khỏe mạnh bình thường còn không tự phục vụ nổi nhu cầu đơn giản của bản thân như gội đầu, cắt móng tay, gọt hoa quả mà đều phải nhờ đến người khác làm giúp.

Còn việc ăn uống, giặt giũ đều trông chờ vào bố mẹ, người giúp việc là chuyện rất bình thường. Rồi còn việc đua đòi, chạy theo mốt, ham chơi game cũng khiến nhiều học sinh, sinh viên đại học nói dối bố mẹ, đòi tiền bố mẹ bằng mọi cách mà không cần biết điều kiện nhà mình thế nào, bố mẹ thậm chí phải vay lãi ra sao.

Ngay ở trong nhà mà còn ích kỉ, dựa dẫm, không thể sẻ chia, thương yêu, đỡ đần, hi sinh bớt nhu cầu bản thân để những người thân bớt khổ thì làm gì biết nhân ái, trắc ẩn với người ngoài xã hội. Lười lao động cũng dẫn đến nhiều tệ nạn như trộm cướp, giết người, mại dâm để kiếm tiền mà không phải vất vả.

Không chịu nhẫn nhịn cũng là một “điểm trừ” của những người trẻ hiện đại. Vì không nhẫn nhịn nên hễ bạn bè nói câu gì “nóng mặt”, bị “nhìn đểu” hay bất cứ lí do trời ơi đất hỡi nào cũng có thể tập hợp phe cánh “xử” nhau như xã hội đen.

Không chịu nhẫn nhịn nên bất cứ nhu cầu nào của bản thân về ăn ngon mặc đẹp, chơi bời, đàn đúm mà không được đáp ứng cũng gây nên bức xúc. Có những người trẻ chỉ vì bố mẹ không cho tiền mua vé đi gặp thần tượng mà lên mạng xã hội chửi bới bố mẹ, sẵn sàng làm gái để có tiền.

Cũng có những người trẻ chỉ vì vài đồng tiền mà đang tâm cướp đi mạng sống người khác. Hay nhiều có cặp vợ chồng trẻ vì chẳng nhịn được nhau mà gây nên tình trạng tù tội, con mất cha, mất mẹ… Bên cạnh đó, sự dễ dãi cũng góp phần gây nên những tính xấu. Dễ dãi trong quan hệ bạn bè nên bị lôi kéo, kích động tham gia vào những việc làm xấu, tạo nên những thói quen xấu.

Dễ dãi trong quan hệ yêu đương nên mới có tình trạng yêu chồng chéo, thậm chí mới chỉ học cấp 3 mà yêu và ngủ với nhiều bạn tình trong cùng một ngày để xảy ra đánh ghen ầm ĩ dư luận.

Dễ dãi trong lối sống nên không có lí tưởng, mục đích phấn đấu, thấy cuộc sống của mình tẻ nhạt, phải lao theo những trò điên rồ để cho bớt nhàm chán. Tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng gia tăng cũng chính bởi những tất cả những điều đó ngày càng gia tăng trong xã hội.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Bởi lẽ, “Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình” nên người trẻ đừng để kéo dài việc “may nhờ rủi chịu, trong đục cũng đành” mà nên noi gương các thế hệ đi trước, sống một cách trọn vẹn đủ đầy.

Rồi cuộc sống sẽ trả về cho bạn những gì bạn xứng đáng được hưởng.

Theo Cẩm Tú – Tuổi trẻ thủ đô