Sông chảy cuối làng

30 lượt đã xem

Tác giả: Hoàng Hiền
Ảnh minh họa: Hồng Thiện Cường

     Lão vật vạ bên vạt khoai tía, rách mướp. Lão trườn, lão khóc, lão rống lên như vừa bị làm thịt. Kêu, gào, chửi bới, lão thở không thành tiếng. Phương chạy sang tội nghiệp dìu lão vào nhà, lão nhất định không chịu, lão hổn hển:

    – Gọi thằng Phúc về đây cho tao, gọi thằng Phúc về đây cho tao. Tao sắp chết rồi, tao sắp chết rồi.

     Phương thấy bộ dạng lão thảm hại, vừa thương lại vừa không nín nổi cười.

     Ai nói vậy thì không rõ chứ cả làng này mà nghe lão nói vậy ít ai không cười. Lão say đã thành lệ, vui uống, buồn uống, làm việc xong uống, không có việc gì – uống, gặp bạn bè – uống, cô đơn cũng uống.

     Ai khuyên gì lão cũng không nghe, lão bảo:

    – Rượu chả nấu từ gạo, chúng mày ăn thì tạo uống, mỗi người mỗi cách, càm ràm nỗi gì?

     Chả thế mà người lão chỉ toàn da với xương, lão chết hụt mấy lần rồi. Phỏng có nghe ai nói lão qua đời chắc xóm làng cũng chẳng lấy gì làm lạ. Lão ưa nịnh, nịnh vào lão bùi tai, có cái gì lão cũng mang cho tất. Vợ lão chẳng phải tay vừa, nào khóa khạp thóc, giấu tiền thật kỹ vậy mà mấy phen cũng phải điêu đứng với mấy bà hàng rượu. Của đáng tội, vợ lão trước kia xinh xắn nhất làng, con mắt lá răm, mái tóc dài đen nhánh, trai làng thiếu gì kẻ ngấp nghé cổng nhà. Ấy vậy mà vợ lão chỉ gật đầu khi anh Thụy (tên lão) đi bộ đội xuất ngũ trở về làng. Cả làng mừng cho lão – anh bộ đội cao ráo, đẹp trai khỏe mạnh và vợ lão – cô gái xinh đẹp, nết na đảm đang nhất làng.

     Niềm vui chẳng được bao lâu, vợ lão cứ sảy hết lần này đến lần khác, có lần đủ chín tháng mười ngày thì vợ lão chỉ sinh ra một cục đỏ hơn hơn. Làng ngày ấy nào đã biết gì về chất độc da cam, chỉ biết một bên là dải núi chứa bao truyền thuyết về rắn có mào và con sông vắt qua cánh đồng làng tháng tháng năm năm vẫn hơn một lần tràn vào làng trút giận. Người nói ra kẻ nói vào, người nói ba đời nhà lão trước kia ăn ở thất đức làm nghề đồ tể bây giờ nó vận vào thân tuyệt tự. Chạy thầy chạy thuốc mãi không xong, vợ lão lần mò lên núi tìm thầy Sài, nghe nói thầy cao tay ấn trong việc cầu tự mấy chục năm nay, đến người Hà Nội còn tìm về nhờ thầy làm phúc. Vợ lão có bầu thật, cái bụng lùm lùm, nhọn hoàn hoắt, ai nhìn cũng đoán con trai. Mà con trai thật, hồng hào khỏe mạnh, lão mừng phát điên lên, lão nâng đứa con yêu quý trên tay, lão khóc, lão cười, lão gào lên khi ôm sinh linh nhỏ vào lòng. Lão đặt tên con là Phúc.

     Làng ngày ấy ít ai không cảm động khi trời mùa đông căm căm rét thấy lão đánh trần giữa con sông ngàu phù sa riu tép, thả vó kiếm từng đồng bạc lẻ, ngày mưa lão vẫn cắm cúi đi bừa hết ruộng nhà này đến ruộng nhà khác, ngày nắng lão đốt tấm lưng gầy chở thùng kem đi khắp làng trên xóm dưới – lão chịu thương chịu khó, lão hiền. Lão là tấm gương mà khối bà vợ trong làng lấy ra so sánh với chồng mình.

     ***

     Từ ngày sinh con, vợ lão yếu hẳn, lúc nào cũng héo hon, bệnh phong hành hạ, chẳng ai còn nhận ra cô Dung xinh đẹp ngày trước, chỉ thấy người đàn bà lúc nào mắt cũng ướt, thỉnh thoảng ngoắc đầu về một bên, thái dương, miệng giật giật liên hồi. Phúc ngày một lớn, vợ lão cũng chạy chữa thuốc thang bớt bệnh, mụ cũng hái dâu, cũng tay cuốc tay cày làm chẳng thua ai. Cái nhà mái bằng đổ vừa xong là lúc mụ ngã bệnh nặng, thầy Sài đến khấn lầm rầm, múa nhang, phun nước khắp nhà nói nhà xây trên đầu con mãng xà từ thời Lý bây giờ nó cựa quậy đầu để báo thù. Thầy còn phản đối tượng tiếp theo là Phúc. Lão nghe mà rụng rời chân tay. Thầy Sài bảo phải cho Phúc lên ở nhà thầy bốn mươi chín ngày để thầy yểm đất thì may ra lúc đó mới yên. Lão riu ríu làm theo, đã quen có tiếng con trẻ ở trong nhà, thằng Phúc mới đi có mấy ngày mà lòng lão như có lửa đốt, lão đứng ngồi không yên, rít được nửa hơi thuốc lào lão cũng bỏ dở. Được gần một tháng lão nhớ con quá, không chịu được tìm lên nhà thầy Sài thăm con.

     Lão thất kinh thấy thằng bé đầu đội khăn trắng, tay chống gậy hầu thầy Sài đã về với tổ tiên. Lão lột khăn trên đầu thằng bé, ôm chặt lấy con, thông thống chạy về làng như ma đuổi. Thằng Phúc khiếp đảm nhìn cha, nó khóc không thành tiếng trong vòm ngực chua nồng mùi phèn đất. Vợ lão quỳ mọp dưới chân lão, mụ dập đầu xuống đất toét cả trán. Lão nuốt khan, đôi mắt hừng hực lửa, lão về lấy sợi chão tẩn cho mụ một trận, vợ lão không rên than nửa lời, mụ chỉ lảm nhảm:

     – Tôi có tội với mình, nhưng xin mình, xin mình đừng bỏ con, bỏ tôi.

     Lão nằm vật ra nhà, ôm đầu bứt tóc, lão nhớ giây phút thằng Phúc cất tiếng khóc chào đời, nhớ lần nó lên sởi nổi mụn đầy mình lão thức trắng đêm bón từng thìa nước cơm vào đôi môi con khô bỏng, lão nhớ những ngày lão kiệu con trên vai lội ra giữa dòng sông trong mát nghe tiếng cười giòn tan, trong trẻo của con đến quặn lòng. Lão đã yêu thương con hơn cả mạng sống của lão, vậy mà…, vậy mà…

     Lão chợt nhớ tới con, lão yếu ớt gọi tên con, không thấy con đâu, lão tìm khắp nhà, vợ lão nằm rên như sắp chết cũng bật dậy phát hoảng tá hỏa đi tìm thằng bé, đã tìm mọi ngóc ngách trong nhà, khắp nhà bà con lối xóm mà chẳng thấy. Lão túm tóc mụ vợ, mắt vẫn lên, lão rít qua kẽ răng:

     Con tao, con tao đâu? Đồ rắn độc.

     Nửa đêm lão nghe thấy tiếng thằng con ré lên khủng khiếp ở bên nhà bà Lân, lao tới chuồng trâu thấy thằng bé đang co ro trườn lùi, con rắn cạp nia hung hăng trườn tới, lão vung cái đòn gánh chính xác, con rắn quật lên vài lần rồi chết hẳn. Lão bế thốc thằng bé chạy bộ về phía cuối làng tìm lang Sửu. Nhìn mặt con tái xanh tái mét, lão như đứt từng khúc ruột, mạch máu trong cơ thể lão giật liên hồi, lão nắm lấy bàn tay bé nhỏ của con áp lên đôi môi khô nẻ chua chát để nước mắt rơi. Sau vài bài thuốc dấu của lang Sửu, thằng bé dần tỉnh lại, nó ôm lấy cổ cha, van cha đừng đánh mẹ rồi ngất lịm.

     Từ ngày trúng nọc độc của rắn cạp nia, thằng Phúc còi cọc hẳn, chăm mãi tay chân cũng lủng bủng da và xương, nhưng đến tuổi dậy thì thì nó trổ mã, tiếng nói khàn khàn, nó đã thành gã trai làng khỏe mạnh, khối cô gái trong làng mơ mộng. Vợ lão từ ngày ấy cung cúc làm ăn, mụ nhịn chồng như nhịn cơm sống. Lão cũng chẳng bao giờ nhắc đến chuyện xưa, lão chỉ buồn, lão càng thương thằng Phúc.

     ***

     Đêm tháng sáu, thăng Phúc thủ thỉ bên tai bố, nó muốn lấy vợ, lão chong mắt nhìn con, rồi lại cười. Lão họ khù khu rồi bảo:

    –Tính mày, hệt tính bố ngày xưa, tẩm ngẩm tầm ngầm mà đáo để gớm con nhỉ?

     Hắn cười khùng khục khoe với bố chiến công với cô Trinh xinh đẹp nhất làng. Lão và vợ hối hả lo sắm sửa lễ lạt sang nói chuyện với ông bà bên ấy cho hai trẻ đi lại, cũng là “cắm mốc”luôn.

     Phúc riu ríu đi trước, hai ông bà và ông chú ruột theo sau, chưa đến cổng, đã thấy ông bà bên ấy chửi con xối xả:

    – Mày ở nhà làm bà tổ cô nghe chưa con, thà ở vậy đến già chứ nhà này không gả mày cho đứa con rơi con rớt của lão thầy mo ấy, mày biết thân chưa?

     Thằng con lão khựng lại, ấu thơ trong hắn tràn về, dâng ngập mắt, hắn chạy bổ ra con sông cuối làng, hắn khóc, tên con trai mạnh giỏi nhất làng đang khóc. Lão cũng bỏ về nhà, lão đập phá, lão nốc rượu, vợ lão tru tréo chửi thân chửi phận. Mụ đi tìm con. Thằng Phúc không còn ngồi bên sông nữa, người làng bảo hắn theo đường lớn cứ chăm chắm đi như kẻ mất hồn.

     Ngày trôi!

     Bình minh cứ tràn vào ngôi nhà trống huếch vì rượu lại uể oải chờ hoàng hôn về nhuộm khói nghít ngui. Hai cái bóng đi ra đi vào rơi nghiêng trong mảnh sân đã rộng nay càng thênh thang vì cô lẻ, thiếu cái dáng khỏe mạnh của anh trai lực điền, thiếu tiếng bước chân thậm thịch chắc nịch của đứa con phận hẩm. Hai đôi mắt ngày càng sâu, hai mái đầu thôi không xanh nữa, hai trái tim héo úa và một miền nhớ, xót, đắng đót khôn nguôi.

     Lão uống rượu, lão say, lão tha hồ chửi bới. Một tay vợ lão lo cáng đáng đồng áng, lợn gà. Thằng Phúc vẫn đi biền biệt, có người bảo nó đã chết, có người nói nó làm bốc vác ở cảng Hải Phòng, lâu dần người ta cũng quên đồn đại về nó. Người vợ khéo vun vén, nhẫn nhịn của lão thuở nào cũng đâm ra bắn gắt, mụ sẵn sàng gây gổ với bất cứ ai đụng chạm tới Phúc, mụ siêng đi chùa để rồi mỗi lần bước ra khỏi cửa thiền mụ lại ước ao nhìn thấy con đâu đó.

***

     Thằng Phương dìu lão vào nhà, lão quặn bụng trên chiếc chõng tre ọp ẹp, lão đòi rượu, lão lảm nhảm rồi đổ vào giấc ngủ mê man. Hoàng hôn nhạt dần dội lên vạt khoai tía, gió vít vu thổi đưa rặng tre sâu hun hút từ ngoài cổng vào kẽo kẹt, mùi thân lạc mới nhổ bốc lên ngai ngái chất đầy bên hông nhà. Vợ lão gồng lưng kéo chiếc xe bò chất đầy lạc mới vào sân, mụ ngồi bệt xuống nền đất, thở không ra hơi. Mụ thấy cái thân mình khốn nạn quá, mụ giận thằng con mụ, hết giận mụ lại thương, lại lo, lại thấy khốn nạn cho cái thân mình thậm tệ.

     Trăng lên mỏng mảnh, mụ đang nằm chợt nghe hương hoa quỳnh thơm ngan ngát. Giật mình, mụ chạy ra đầu hồi, cây hoa quỳnh thằng Phúc trồng lúc còn ở nhà trổ bông, mụ xúc động ứa nước mắt, lâu lắm rồi mụ mới khóc được. Đêm ấy hương quỳnh vấn vít trong giấc ngủ như an ủi, vỗ về…

Sông chảy cuối làng

     Nhà nông vốn quen dậy sớm thế mà sáng nay nắng đã rút gần qua khỏi cửa mà mụ vẫn năm đấy, chợt nghe tiếng bước chân thậm thịch quen thuộc của thằng Phương, mụ nhỏm dậy vội vàng bước ra cửa.

     – Bác, bác Dung ơi. Anh Phúc về, anh Phúc về tới quán Tiến rồi bác ơi! Mụ lao hẳn xuống sân, mụ nắm lấy vai thằng Phương lắc mạnh:

     – Gì? Cháu vừa nói cái gì?

    – Anh Phúc về, anh Phúc về bác ạ.

     Đầu óc mụ đặc sệt như chưa ra khỏi giấc mơ, chân mụ ríu ríu chạy ra cổng, lại riu ríu chạy vào nhà:

    – Ông ơi, con về ông ơi!

     Hơi rượu bay đâu mất, lão lao ra cửa, thằng con lão đã đứng ở giữa sân, lão không tin vào mắt mình, lão lập bập hỏi:

    – Con về rồi?

    – Con đây bố, con về rồi đây bố. Hắn khóc tu tu như đứa trẻ, hắn giữ chặt lấy đôi tay khẳng khiu của lão, hắn nuốt nghẹn dắt vợ, dắt con tới chào cha.Vợ lão nãy giờ lặng đi, mụ thình lình bước lại tát cho hắn một tát như trời giáng, rồi mụ khóc, tiếng khóc lâu ngày bật ra như vỡ. Hắn nhìn mẹ xót xa không nói được lời nào. Thắng con hắn ngơ ngác nhìn bà, nhìn bố rồi nép vào lòng mẹ nó run run.

     ***

     Hắn đưa mắt ngắm ngôi nhà thân yêu đã xác xơ, nhìn những quả dọc chua lúc lỉu, vạt khoai tía ngóc những chồi non. Vợ hắn cặm cụi bên mẹ chồng xếp những bó lạc vào khoảng sân ngập nắng.

     Lão kiệu thằng cháu lên vai lội xuống dòng sông xanh như ngọc, thằng bé sợ nước ré lên rồi lại thích thú quào quào vào mái đầu ông bạc trắng, nó đưa cả hai bàn tay bụ bẫm, hồng hào ôm lấy mặt ông, nghịch ngợm đưa mấy ngón tay vào miệng ông rồi cười như nắc nẻ.

     Nước mơn man vỗ vào vòm ngực già nua của ông ràn rạt, đám lục bình tím lặng lẽ trôi bình yên đến nhẹ lòng. Sống gần hết một đời người bên dòng sông này, không biết bao nhiêu con nước đã chảy qua đây, bao nhiêu lần con nước rồng con nước nổi, đến bây giờ sông vẫn ngăn ngắt mát lành như ngày xửa ngày xưa…