Tác giả: Trương Văn Tuấn
Ảnh minh họa: Hồng Thiện Cường
Nhà trọ này có bảy phòng.
Phòng 1 của chị thợ may kiêm sửa quần áo cũ. Ba mươi hai tuổi, chưa chồng nhưng chị cũng không thèm yêu ai. Mỗi khi có anh nào chuyển đến trọ, suốt tuần ấy mắt chị ánh lên vẻ hấp háy lạ kỳ. Chị tết tóc hai bên, ngồi may và cứ cười mỉm chi. Nhưng cũng chỉ thế rồi thôi chứ không yêu ai đâu nhé, suốt mười năm nay – tính từ khi chị thuê phòng này là vậy rồi. Phòng chị nằm ngang với nhà chủ, được hưởng mặt tiền (mặt tiền theo kiểu vua xứ mù) nên giá thuê phòng cũng cao hơn chút xíu so với các phòng còn lại.
Hai mẹ con người bán vé số ở phòng số 2. Chính xác là thằng con đi bán cả ngày. Mẹ nó chỉ bán một nửa buổi sáng, buổi trưa và chiều bà về phòng nằm đợi bạn trai ghé thăm. Hai người cộng lại đã dư trăm tuổi, nhưng lâu lâu các phòng bên cạnh vẫn được nghe những câu tình tứ xanh non dạng: Nếu mơi mốt em chết thì anh sẽ làm sao? Tháng trước bà bị vợ và con trai của người đàn ông đó chặn đường, đánh bầm mặt.
Phòng 3 là của anh chàng vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin. Anh ta sống cùng bạn gái. Người ta nghe loáng thoáng khi anh nói chuyện qua điện thoại rằng anh làm dự án cho công ty nọ. Mọi người cũng không rõ dự án đó là gì. Quan sát giờ ngủ – thức, đi ra – vào của anh ta, nếu người nào rảnh hơi thích để ý chuyện người khác thì có thể tạm hiểu: dự án là việc gì đó, làm ở đâu cũng được, miễn tới thời hạn thì phải xong, khi xong thì được lãnh một cục tiền. Không biết anh đã lãnh chưa hay bị quỵt, hay bị đuổi ra khỏi dự án mà bốn tháng nay anh chưa đóng tiền nhà trọ lẫn tiền điện nước. Chủ nhà đành tạm giữ giấy tờ xe của anh. Nhưng hành động “tạm giữ” này không mang sắc thái cưỡng chế một cách hung hăng. Bởi chủ nhà lâu nay nổi tiếng hiền: không cần lấy tiền cọc người ở trọ, ai lỡ thiếu tiền trọ hai tháng cũng không vội đòi. Duy trường hợp anh này, trông anh có vẻ sẵn sàng biến mất. Trước nguy cơ tổn thương vì bị người phụ, con gái lớn của chủ nhà mới mạnh tay làm thế.
Phòng 4 là của cậu sinh viên ngành sư phạm hóa học. Cậu ở một mình, thuận tiện cho việc lâu lâu có bạn gái ghé thăm. Cậu đi dạy kèm để kiếm sống. Thi thoảng Hoang – tên thằng nhóc bán vé số – mang sang một quyển tạp chí, nhờ cậu dạy đọc hiểu một vài chữ lạ.
Cô giáo dạy trường tư thuê phòng 5 đã bảy năm nay. Cô dạy tin học. Cô đi về khẽ khàng, hợp tính với chị thợ may, thân thiện với chủ nhà, thằng Hoang, anh sinh viên và hai học viên phòng 7.
Phòng 6 là của cô gái người miền Tây. Cô đẹp, luôn trang điểm, ăn vận sang trọng. Đi làm từ 9 giờ sáng tới 11 giờ khuya. Không biết lý do gì, ít ai nhìn thẳng vô mặt cô, hay nói chuyện nhiều với cô trừ chủ nhà. Cô có một người bạn trai, mặt mũi bặm trợn. Câu nói yêu thích của anh: Hôm qua đi với thằng nào? Đưa điện thoại đây coi! Mắc gì phải xóa hết tin nhắn vậy? Câu nói yêu thích của cô: Anh điên quá nghen! Bực mình à!
Phòng 7 là của hai anh học viên cao học. Một anh học thạc sĩ về quản lý, một anh học về lịch sử thế giới. Anh học quản lý tối tối đi dạy thêm Anh văn. Anh học lịch sử thường đi thư viện tổng hợp, đọc sách, làm tiểu luận, sửa khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên tại trường đại học mà anh đang giảng dạy ở miền Tây. Hai anh có điểm chung: mỗi lần các giáo sư, tiến sĩ vào dạy thỉnh giảng là các anh phải tất bật kiếm tiền để góp mua quà, mời đi ăn, mua vé máy bay cho thầy cô trở về. Hai anh thường mượn tiền của cô giáo phòng 5. Hai anh đang giai đoạn “khó ở” về tinh thần lẫn vật chất vì phải gấp rút hoàn thành luận văn thạc sĩ, vừa phải thức khuya dậy sớm, vừa phải tốn nhiều khoản phí. Họ thiếu hai tháng trọ và ba tháng tiền điện nước nhưng chủ nhà biết họ là bậc thầy bà nên rất nể, không một lời phàn nàn nào hết.
Trừ phòng chị thợ may, sáu phòng còn lại được xây đâu mặt vào nhau, chung nhau một khoảng sân. Chủ nhà có nuôi ba con chó, mỗi ngày nó đái, ị ra khoảng sân đó, lên dép giày, lên bánh xe của họ. Nhưng họ không phàn nàn vì nể tính tốt của chủ nhà. Mỗi phòng đều có nhà tắm và nhà vệ sinh riêng, nhưng chủ nhà hào phóng xây thêm cái vòi nước ở cuối dãy nhà trọ. Ai có thích thì ra đó rửa xe, giặt đồ cho rộng. Chỉ có mẹ thằng Hoang là ra đó giặt đồ, chắc tại bà không có gì phải ngại, hoặc vì mông bà to béo, không ngồi vừa cái nhà tắm bên trong.
Thằng Hoang tính con nít đơn giản nên thích chào hỏi bắt chuyện với tất cả các thành viên trong nhà trọ. Nó gọi hai ông thạc sĩ tương lai, cô giáo, cậu sinh viên là thầy cô đường hoàng.
Chiều thứ bảy, chủ nhà (gồm hai xe bốn người) đi thăm bác ở Bình Chánh. Thằng Hoang đi bán về loan tin: Ông chủ nhà mình trúng số độc đắc, hai vé nha! Mới gặp ổng ngoài công viên, ổng nhắn là mai tặng mỗi người chục triệu nha!
– Mày xạo vừa nghen mậy!
Mọi người điềm tĩnh ra mặt và một mực không tin.
Đêm thứ bảy dãy nhà im phăng phắc. Bên kia chốc chốc bà mẹ vặn vẹo đứa con:
– Mày xạo hả, ổng trúng số nào?
– Hỏi quài!… Đây! Con bán rải rác từ Bình Tân về đây. Nửa tiếng sau, mọi người lại nghe câu cũ:
– Mày xạo hả..
Sáng chủ nhật, nhà trọ cũng yên ắng. Hai ông học viên gõ phím lạch cạch từ đêm qua giờ vẫn chưa ngủ. Phòng số 5 văng vắng tiếng đĩa tự học tiếng Anh của cô giáo. Mỗi sáng cô dành 30 phút cho việc học ngoại ngữ. Chị thợ may không thèm dọn bàn máy, đêm qua chị nghĩ vu vơ: “Nếu sáng dọn bàn sớm, không khéo người ta nói mình ham. Thôi, hôm nay nghỉ buổi sáng”. Mẹ thằng Hoang không biết đã dậy chưa mà không thấy đi bán. Anh làm dự án cùng bạn gái cả tháng nay vốn ngại bước ra ngoài. Cô gái miền Tây chủ nhật vốn quen ngủ vùi.
Chỉ có mỗi thằng Hoang từ sáu giờ sáng đã ra ngoài bán vé số.
Mười giờ. Mọi người nghe ông chủ thắng xe cái két trước nhà trọ. Nghe ông chủ đẩy cửa dắt xe vào. Nghe ông lê dép dọc hành lang, đi lên đi xuống. Nghe con chó kêu ăng ẳng. Nghe con gái ông cằn nhằn về việc con chó nhỏ tè lên thảm chùi chân. Nghe con trai ông chủ hỏi: Uống cà phê không? Nghe bà chủ thét: Hai cái con này, xê ra coi!…
12 giờ trưa, mọi người nghe cô gái miền Tây mở toang cửa phòng, cười hớt hơ với anh Tâm con chủ nhà:
– Trúng số hả?
– Trúng gì hơ hơ, ai nói trúng, hôm qua có mua đâu mà trúng.
Chiều, Hoang về, mặt đắc chí. Nhà trọ liếc yêu nó mấy lượt. Mẹ thằng Hoang hậm hực với con cả tối.
***
Em trai của cô gái miền Tây rớt đại học. Nó lên ở cùng chị để đi làm phục vụ. Chị em nhà ấy là người đi mạnh nói lớn nhất nhà trọ. Một phần vì tính tình, một phần vì tháng nào cô cũng đóng đủ tiền trọ, điện nước đúng hẹn.
Sáu phòng chung nhau một cái sân không lớn, dành cho bảy chiếc xe máy một xe đạp chen nhau. Thêm xe của thằng nhóc mới lên là chín.
Mỗi sáng thức dậy, thằng nhóc hay gào: Trời ơi, để xe vầy sao dẫn ra! Tối nó đi làm về, mọi người biết chắc nó sẽ nhằn; Trời ơi, để xe vầy sao dắt vô! Rõ ràng nó nhỏ mà láo.
Ai cũng bực. Nhưng cô giáo là cô giáo nên không nói. Cậu sinh viên bực nhưng ngại thằng anh rể hờ của nó nên cũng nhịn. Anh con trai làm dự án và hai anh thạc sĩ tương lai đang thiếu tiền trọ nên dù có uất nhưng miệng bị yếu hẳn. Mẹ thằng Hoàng chỉ đi xe đạp nên nghĩ mình phiền gì ai.
Rồi một sáng nọ, anh học viên ngành lịch sử thế giới. đang cố chợp mắt sau một đêm vật vã mà chưa tìm ra hướng đi cho chương hai. Thằng nhỏ bên kia mở cửa la làng: Trời ơi ai để xe kỳ vậy!?
Anh học viên kia thấy anh học viên này bật dậy. Cái chăn chưa kịp rơi xuống nền thì tay anh này đã kéo phăng được cửa:
– Thằng ranh con! Cái sân này của riêng mày hả?!
Anh hét lên nghe lồng lộng – chắc đang lơ mơ ngủ nên anh quên là mình còn thiếu hai tháng tiền nhà trọ và ba tháng tiền điện nước. Cô gái miền Tây lú đầu ra gào lại:
Nói không đúng hả? Để xe vậy ai dắt ra cho được.
Hai bên cách nhau bốn mét, mỗi người một tuyến lý lẽ, họ bắt đầu gào dài hơi. Có lẽ đây là lầu đầu tiên hai chị em nhà bên kia chứng kiến một người đàn ông có khả năng ngôn ngữ dài và cay độc với phụ nữ đến vậy. Hình như anh có nhắc đến nghề nghiệp của cô gái trong câu chửi của mình. Hai bên thở hồng hộc đóng cửa khi được nhà trọ can ngăn.
Sau cơn tức giận, hai người đàn ông phòng 7 năm lo: không biết khi nào thắng người tình của con đó sẽ vào đây xử mình?
***
Hai hôm sau, mẹ thằng Hoang bị mất dây chuyền.
– Tui khổ vậy chưa đủ sao trời!
– Chị nước mắt lưng tròng, đi ra đi vào.
Đúng là chị khổ thật, mẹ con bán vé số để nuôi nhau, lâu lâu lại bị đánh ghen. Lần này thì mất sợi dây chuyền. Tháng trước bị mẹ con bà kia giằng kéo, sợi dây chuyên chắc đã ít nhiều bị chấn động, nên giờ mới rơi như thế.
Có thể nó đã rơi ngoài đường khi chị đi bán sáng nay, hoặc rớt 7 xuống nền nhà tắm bị nước cuốn vào lỗ cống, hoặc có thể trưa này ra sân giặt đồ, chị lom khom nên làm rớt.
Nghe chị kêu trời, mọi người mở cửa phòng nhìn chị cảm thông. Chị thợ may vận dụng kinh nghiệm nhân gian:
– Đợi khi có trăng hoặc tối lấy đèn pin ra rãnh nước soi, vàng nó sẽ lấp lánh lên.
Thằng Hoang cười hô hố:
– Dễ gì còn trời! Sợi dây có bao lớn, mà nước thì dội ào ào.
Tối đó, mẹ thằng Hoang tự dựng ném nỗi đau mất của vào mặt con trai: Hay là mày lụm được đã đem bán để chơi game rồi hả?! Nó ấm ức suốt đêm không ngủ.
Nửa khuya, biết trắng đã lên, thăng Hoang lần mò ra rãnh nước nhà tắm. Nó hy vọng sợi dây chuyền còn đó, phản chiếu ánh sáng của trăng và sẽ lấp lánh để báo hiệu cho kẻ hàm oan như mình thấy được.
Bước đến vòi nước, nó hoảng hốt cứng cả họng. Ma! Một bóng ma, cái bóng lúc cao lúc thấp, lúc đứng lên lúc ngồi xuống nơi rãnh nước.
Thằng Hoang cố gắng lắm mới quay lưng vừa chạy vào phòng vừa kêu la được. Nhà trọ xúm ra. Nghe Hoang nói vừa thấy ma, ai cũng xanh mặt. Hôm sau, có một phòng dọn đi.