Đức Hậu
Khách của tôi phần đa là mấy anh xích lô, xe ôm, vài anh công chức cơ quan đóng gần đó, thi thoảng cũng có khách vãng lai. Ông Thành Tâm là khách quen quán nước của tôi. Buổi chiều hàng ngày ông đi bộ rèn luyện sức khỏe và thường giải lao, uống chén nước trà nóng, góp dăm ba câu chuyện với những người khách xung quanh.
Ông Thành Tâm là người ôn hoà, nói năng nhỏ nhẹ, chuyện trò với mấy người nhưng ông luôn lảng tránh những tranh luận vô bổ. Có lần ông |Thành Tâm vào quán đúng lúc mọi người đang rôm rả chuyện “tiêu cực” xã hội. Nào là cướp giật, trộm cắp, nào là ma tuý, mại dâm, nào là tham ô, tham nhũng… Để mọi người lắng lại, ông từ tốn bảo: “ Xã hội nào thì những chuyện ấy đều có cả. Những điều tốt, những người tốt, những việc tốt xung quanh ta rất nhiều, nhưng rất tiếc chúng ta lại ít nói nói đến…”
Có ai đó “xì” một tiếng. Lại ai đó nói: “Ông lạc hậu rồi, bây giờ làm gì có người tử tế…” Ông Thành Tâm có vẻ không hài lòng, nhưng ông không phản ứng gì.
Nửa tháng nay tôi không thấy ông Thành Tâm đi bộ. Tôi đâm nao nao nhớ. Nhớ khuôn mặt có nước da hồng hào tươi tắn ánh lên vẻ lạc quan sung mãn, đặc biệt là nhớ cái miệng với cặp môi khá dày, rất hay tủm tà tủm tỉm, cười! Có thể ông Thành Tâm bị ốm. Việc ốm đau với người có tuổi cũng là lẽ thường tình. Hoặc thể ông Thành Tâm có việc về quê, hay đi xa đâu đó…
Hôm nay tôi quyết định đến nhà ông xem cụ thể thế nào để khỏi thắc mắc đoán già đoán non. Nhà ông Thành Tâm cách nhà tôi chỉ hơn cây số. Có lần ông cho tôi số nhà nên tôi cũng không phải hỏi thăm ai.
Nghe tiếng chuông, một người đàn bà trông thật phúc hậu và có vẻ đài các, tôi đoán có lẽ là vợ ông Thành Tâm ra mở cửa. Khi biết tôi muốn gặp ông Thành Tâm, bà gọi: “Mình ơi có khách này”.
Ông Thành Tâm từ trong buồng, hai tay chống hai cái nạng gỗ, chân phải bó bột cứng đơ đơ, ông lặc từng bước ra ngoài. Thấy tôi, ông Thành Tâm tủm tỉm: “ Ông đến chơi.”
Tôi chỉ vào cái chân bó bột: “Sao ra nông nỗi này”.
Ông Thành Tâm bảo: “Tai nạn giao thông là chuyện thường ngày… nó xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ với ai… tôi không phải người ngoại lệ!”
Mời tôi uống nước, rồi ông Thành Tâm bảo: “Cậu thanh niên trẻ đi xe máy chẳng may đâm vào tôi, mình già rồi xương xẩu khô giòn, ngã xuống cái, gãy luôn, nhưng cũng may, bác sĩ bảo cũng vẫn liền được… Cậu thanh niên đó là sinh viên năm cuối của một trường Đại học, tầm tuổi cháu mình thôi. Trông cũng đẹp trai, hiền lành lắm. Mà nó đâu có đi nhanh, đâu có lạng lách đánh võng hoặc ngổ ngáo “coi trời bằng vung” gì. Đánh rầm một cái, từ phía sau xe cậu ta xô vào tôi. Oạch một phát tôi ngã sõng xoài, kêu : “Ái chà chà… Gãy chân rồi…”. Lúc ấy đường sá vắng tanh vắng ngắt, đèn đường chỉ lờ mờ thôi, giá như đâm vào tôi rồi cậu ta lao bừa chạy trốn thì cũng chẳng ai biết. Nhưng không… Cậu thanh niên mặc kệ cái xe nằm chỏng trơ mà vẫn phành phạch máy nổ, chạy đến bên tôi, nâng tôi lên, mồm líu lại: “Chết… Chết rồi… Cháu làm khổ ông rồi… cháu xin lỗi ông… Để cháu gọi xe đưa ông đi bệnh viện…”.
Suốt từ hôm ấy đến nay ngày nào cậu ta cũng cùng bố mẹ đến bệnh viện và bây giờ đến nhà tôi, họ đòi đền bù cho tôi, họ yêu cầu được chăm sóc tôi. Khi đã qua sự bực bội, và cũng qua đi sự đau đớn, tôi hỏi cậu thanh niên : “Lúc ấy cháu không nhìn thấy gì à?”
Cậu ấy bảo: “Thưa ông, tại cháu đang phấn chấn, vì hôm ấy cháu vừa đi hiến máu nhân đạo, đây cũng là lần thứ hai cháu đi hiến máu đấy. Nhưng lần trước, cháu thấy hình như mình chỉ đi làm nghĩa vụ và trách nhiệm của một thanh niên thôi. Còn lần này tự dưng lại có cảm xúc dâng trào ông ạ”.
Tôi bắt đầu có thêm điều ngạc nhiên về cậu sinh viên trẻ này, lần đầu hiến máu là trách nhiệm, lần hiến máu thứ hai đầy cảm xúc, vậy là thế nào nhỉ?
“- Ông ơi… Cái lúc chẳng may đâm xe vào ông là lúc cháu đang nghĩ về một câu chuyện tưởng tượng vừa hình thành trong đầu cháu đấy ông ạ”.
Tôi hỏi: “Cháu đã tưởng tượng ra chuyện gì?”
“Ông ơi! Nói ra ông đừng cười cháu nha! Một ca mổ ông ạ. Một cô gái trẻ, xinh đẹp nữa, chẳng may cô bé bị bệnh tim…. Các bác sĩ đang tập trung cao độ cho ca phẫu thuật. Máu ra nhiều. Phải tiếp máu. Đó là mệnh lệnh để cứu sống một con người. Máu được đưa đến. Thật trùng hợp, máu của cháu và cô ấy chung nhóm. Các bác sĩ đã lấy máu của cháu để tiếp cho cô gái trẻ trung xinh đẹp đó. Một thời gian sau cô gái lành bệnh, ra viện. Không ngờ chúng cháu lại gặp nhau… rồi chúng cháu… Đúng lúc cháu đang nghĩ đến viễn cảnh đẹp nhất ….thì… ông ngã…”
Kể xong ông Thành Tâm tủm tỉm cười bảo tôi: “Đấy, một người còn trẻ, một sự việc chẳng may, nhưng đó là hành xử của người tử tế, không như có người ở quán nước hôm nọ nghĩ đâu, ở đời vẫn và luôn có rất nhiều người tử tế ông ạ!”