Nên bỏ phiên âm

52 lượt đã xem

Tác giả: Vũ Đức Sao Biển

     Tôi xin mở đầu bài viết bằng cách bàn về phiên âm của người Trung Quốc. Chữ viết của người Trung Quốc không sử dụng hệ thống alphabet của ngữ căn Latin (như của ta). Vì vậy, họ bắt buộc phải phiên âm tên nước, tên đất, tên người… của tất cả các quốc gia khác ra thành những âm tương đương với cách phát âm của họ để họ có thể viết và nói được. Tôi nói “âm tương đương” bởi những âm này nghe ra gần giống với âm gốc nhưng không giống hẳn. Họ gọi đó là phép chuyển ngữ.

     Thí dụ: Tên nước – Italie thành Ý Đại Lợi; Australia thành Úc Đại Lợi; Hungarie thành Hung Gia Lợi; Laos thành Lào; Korée thành Cao Ly… Tên đất – Paris thành Ba Lê; Washington thành Hoa Thịnh Đốn; Sài Gòn thành Tây Cống; Moscou thành Mạc Tư Khoa… Tên người – Andrew thành An Đắc Lộ; Clinton thành Cơ Lâm Đôn; Ivan thành Y Phàm; Napoléon thành Nã Phá Luân… Tư thế của họ là bắt buộc phải phiên âm để có chữ mà dùng, có âm mà đọc. Tuy vậy, những phiên âm đó cũng có quy ước khá rõ. Một – chỉ lấy âm thuần túy để đọc và viết. Thí dụ Norvège thành Na Uy; France thành Pháp; (sông) Danuble thành Đa Não hà; Brazil thành Ba Tây; Thailand thành Thái Lan; Bangkok thành Vọng Các; Rangoon thành Ngưỡng Quang; Roma thành La Mã… Hai – lấy một nghĩa, cộng một âm cho ra chữ rõ hơn. Thí dụ: New Zealand (New: mới, tân) thành Tân Tây Lan; Yougoslavie (Yougo: phía Nam) thành Nam Tu Lap Phu; Mer Méditerranée (terranée: từ chữ terre – đất) thành Địa Trung Hải…

     Một số quy ước chuyển ngữ như sau. Tất cả các tiếp vĩ ngữ Ria, Lais, Le, Lie, Ly, Li đều ra chữ Lợi: Anglais thành Anh Cát Lợi; Italie thành Ý Đại Lợi; Bulgarie thành Bảo Gia Lợi; Chile thành Chí Lợi… Tất cả những âm đứng đầu hoặc đứng giữa mang các chữ S, Z, Si, Zea, Se đều được phiên âm thành Tư, Tây, Tô: Sibérie thành Tây Bá Lợi Á; Scotland thành Tô Cách Lan; Spagne thành Tây Ban Nha; Einstein thành Ải Nhân Tư Thản; Montesquieu thành Mạnh Đức Tư Cưu; New Zealand thành Tân Tây Lan… Tất cả các tiếp vĩ ngữ Land đều thành Lan: Poland thành Ba Lan; Holland thành Hà Lan; Finland thành Phần Lan…

     Trung Quốc dùng cách phiên âm – chuyển ngữ như vậy để giải quyết vấn đề khó nhất của ngôn ngữ họ là không dùng ngữ căn Latin. Ngôn ngữ, chữ viết của ta dùng hệ thống alphabet của ngữ căn Latin, nghĩa là có thể mạnh có thể viết và đọc tất cả các loại từ ngữ của mọi quốc gia theo alphabet của ngữ căn Latin, điều mà ngôn ngữ Trung Quốc không có. Vậy thì việc gì ta phải học theo kiểu phiên âm, nhằm “lấy âm mà đọc” theo cách làm của ngôn ngữ Trung Quốc?

     Đầu thế kỷ 20, một số nhà báo tiền bối của chúng ta đã áp dụng kiểu phiên âm nhằm “lấy âm mà đọc” này, cho ra một số từ nghe ra âm gần giống với phiên âm của Trung Quốc nhưng ngữ nghĩa lại xa cách một trời một vực. Thí dụ hai vở kịch Horace và Le Cid của kịch tác giả Corneille (Pháp) được phiên âm ra là tuồng Hòa Lạc và tuồng Lôi Xích (viết hoa). Vở kịch Andromaque của kịch tác gia Racine được phiên âm thành Nàng An Lộ Mã. Cách phiên âm như vậy thật sự không cần thiết so với một xã hội mà tiếng Pháp đang thịnh hành và xét ra nguy hiểm cho kiến thức của người đọc. Vậy thì để nguyên văn tên các vở kịch ấy vẫn hay hơn.

nên bỏ phiên âm

     Mấy chục năm qua, trong ngôn ngữ viết của sách giáo khoa, sách dịch, sách nghiên cứu và một số tờ báo, nhiều tác giả vẫn giữ cách phiên âm các thuật ngữ chỉ tên nước, tên đất, tên người vẫn theo kiểu “lấy âm mà đọc”. Báo Thanh Niên vừa đề cập đến loạn phiên âm trong văn viết. Mười bảy năm trước, tôi đã viết một bài phê phán nạn phiên âm bừa bãi này trên Tạp chí Kiến thức ngày nay và nhận được hai thư phản đối của hai vị học giả… chuyên phiên âm. Nay, tôi xin được bày tỏ lại quan điểm của mình. Tôi xin khẳng định phiên âm như cách “lấy âm mà đọc” thì chẳng đem lại được kiến thức nào cho người đọc và người học cả và là một nguy cơ cho người đọc, người học.

     Một là – có một số âm trong ngữ căn Latin hoàn toàn không tìm thấy âm nào tương đương trong tiếng Việt. Thí dụ âm / từ tiếng Pháp không thể phiên âm ra âm R, âm D hay âm Gi trong tiếng Việt. Cho nên gặp chữ Johan mà cứ nhắm mắt phiên ra là Rô-han, Đô-hạn hay Giô-han đều sai toét. Thật khiên cưỡng và buồn cười khi tên của nhà khoa học Einstein được phiên âm ra thành Anh-xtanh. Cách đọc tên của ông này gần gũi với âm Ai-xthai hơn, mà phải đọc bằng giọng mũi thì mới đúng.

     Hai là – cách phiên âm của những người “chơi” phiên âm không ra một chương pháp nào cả. Cũng với âm Anh-xtanh trên, có người phiên ra thành Anh-x-tanh, Anhstanh, Anhxtanh, Anhstanh, Anh-s-tanh. Vậy cách nào mới là đúng đây? Viết sách giáo khoa, viết báo, dịch sách, viết phê bình là công việc khoa học. Hễ công việc khoa học thì đòi hỏi phải có phương pháp rõ ràng, chuẩn mực nhất định. Làm sao lại có thể chấp nhận tình trạng ba phải trong sáu từ trên, từ nào cũng được?

     Ba là – cách phiên âm đầy tính bảo thủ, tạo ra một sự sai lầm lâu dài, nguy hiểm cho người đọc và người học. Trên báo chí ngày nay, người ta vẫn đọc thấy tên ông Bush – cựu Tổng thống Mỹ, bị phiên âm ra thành ông Busơ. Làm quái gì có một ông Busơ như vậy? Tiếp vĩ ngữ sh ở sau chỉ còn là một nửa âm, phát ra thành tiếng gió, không thể là sơ được. Cứ giữ một cái phiên âm như vậy là có lỗi, thậm chí có tội với người đọc và người học vì ta làm văn hóa sai!

     Bốn là – dù có phục vụ được cho mục đích lấy âm mà đọc đi nữa thì cách phiên âm ấy vẫn là phản khoa học bởi người ta phải đọc sai, không hiểu âm ấy nói lên nội dung gì, lại làm cho văn chương tiếng Việt tối nghĩa. Hãy tưởng tượng một câu: “Ông Busơ thị sát thành phố Lốt Ăn-giơ-létx sau đó về Niu-Óoc. Thiệt là mệt cái lỗ tai. Thì thôi, ta cứ viết “Ông Bush thị sát thành phố Los Angeles sau đó về New York” – vừa dễ viết, vừa dễ đọc. Bởi ai cũng có thể nghe được Los Angeles và New York và biết đó là hai thành phố của Mỹ.

     Năm là – ngày trước, dân trí còn thấp, nhân dân ít tiếp cận với ngoại ngữ; chỉ có một bộ phận đi học mới học được ngoại ngữ. Ngoại ngữ ngày trước cũng chỉ giới hạn trong phạm vi tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung. Ba mươi bảy năm sau ngày thống nhất, lớp trẻ đã được học ngoại ngữ trong giáo trình trung học và đại học. Ngoại ngữ đã mở rộng ra với tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha… Kỹ thuật truyền thông – báo chí bùng nổ, ngành du lịch phát triển, nhân dân có cơ hội sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp. Một xã đảo xa vắng như xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) ở Quảng Nam có trên 60% người biết giao tiếp tiếng Anh. Tiếng Anh đã trở thành ngoại ngữ phổ thông nhất trong các ngoại ngữ, sau đó là tiếng Pháp.

     Vậy thì, với thế mạnh của một ngôn ngữ dùng alphabet Latin, chúng ta còn duy trì cách phiên âm loạn cào cào theo kiểu “lấy âm mà đọc” làm gì? Người đọc sách, đọc báo, nghe đài có quyền tiếp cận với thuật ngữ gốc của tên nước, tên người, tên đất… quốc gia ấy. Tôi không đồng ý với quan điểm vừa dùng tên gốc, có mở ngoặc đơn dùng chữ phiên âm. Chữ nghĩa của người ta là như vậy và phải học đúng như vậy. Với các nhóm ngữ căn đặc biệt (khối Slave, Arab, Sanskrit, Hindou), ta bắt buộc phải dùng thuật ngữ phiên âm chuẩn của tiếng Anh hay tiếng Pháp.

     Học sinh phải đọc được các tên Pythagore, Euclide, Joule, Newton, Pavlov, Beethoven, Mozart, Washington, Dubai, Tungku Abdul Razak, Upanishad, Paris, Caracas, Moscow… Nhà giáo phải dạy các em đọc đúng tên. Sách và báo phải viết đúng chữ. Giữ lại cách phiên âm thô thiển chỉ làm chậm dân trí, lại làm cho con người sợ… ngoại ngữ.