Lời hứa và tầm quan trọng của uy tín

1 lượt đã xem

Lưu Đình Long – “LẮNG NGHE HƠI THỞ”

     Cân nhắc cho một lời hứa để mình không “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”, đồng thời đừng hứa làm những điều ngoài khả năng, những điều mình sẽ làm mà mình không biết cặn kẽ nó là việc gì, tốt xấu ra sao.

     Ai trong đời cũng sẽ có ít nhất một lần hứa với một ai đó về một điều gì đó: hứa tặng, hứa cho mượn, hứa đi chung, hứa… yêu nhau mãi v.v… Và sẽ có những lúc ta thất hứa với một ai đó vì vô tình, quên, vì chủ đích không nhớ hoặc vì mình nhận ra lời hứa ấy là sai lầm nên không thực hiện nữa…

     Thông thường, mình hứa là lúc mình cảm thấy mình có khả năng thực hiện việc đã hứa. Lời hứa đó là lời hứa nằm trong khả năng, và lúc mình hứa mình không phải đắn đo, suy nghĩ.

     Chúng ta sẽ trở nên đáng tin cậy với mọi người khi mình quyết tâm biến lời hứa thành hiện thực. Bởi khi hứa một điều gì đó, có nghĩa là mình đã gieo cho người ta niềm tin và cả sự hi vọng. Và khi mình thực hiện lời hứa cũng là lúc đem lại hạnh phúc cho người kia.

Lời hứa và tầm quan trọng của uy tín

     Tuy nhiên, không phải bao giờ mình cũng có khả năng làm được những điều đã hứa một cách hoàn hảo. Do yếu tố khách quan, lúc mình hứa thì mình còn có khả năng, nhưng đến khi thực hiện thì không đủ khả năng làm được. Điều này nó nằm trong quy luật vô thường, bởi sự vật, hoàn cảnh luôn biến thiên.

     Tất nhiên, khi hủy lời nên kèm theo lời xin lỗi. Thông thường sau đó phải là một “lời hứa bổ sung” – xem như đó là lời xin lỗi chân thành nhằm chuộc lỗi. Đó là cách hành xử chân thành, đáng quý mà cũng giúp cho mình không cảm thấy áy náy, giúp mình không dễ dãi khi hứa hẹn trong những lần sau. Đồng thời, làm cho đối tượng nhận lời hứa cảm thấy được tôn trọng!

     Song, có những lời hứa mà mình biết chắc là không thực hiện, bởi mình hứa bừa, hứa đại, hứa mà không thèm suy nghĩ để rồi đến thời điểm thực hiện thì cao chạy xa bay. Hoặc có khi mình biết chắc không làm nhưng vẫn hứa để cho đối phương chờ đợi và thất vọng như một cách thức lừa gạt… Cả hai lời hứa này đều đáng trách, bởi nó đến từ một cái trí kém và một cái tâm không tốt.

     Ngoài ra, có lời hứa lúc mình không làm chủ được bản thân hoặc mình hiểu chưa trúng nên mình thay đổi, xin rút lại. Chẳng hạn hứa cho con tiền mua đồ đắt tiền, rồi sau đó nhận ra đó là dung dưỡng cách ăn xài hoang phí của con nên mình rút lại, xin lỗi và đền bù bằng một khóa học. Hoặc hứa cho người khác mượn tiền, nhưng sau đó biết họ vay đi đánh bạc nên mình không cho mượn vì biết họ sử dụng đồng tiền không đúng… Trong những trường hợp này, việc rút lại lời hứa và xin lỗi là một cách làm có trí tuệ, đáng quý!

     Cân nhắc cho một lời hứa để mình không “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”, đồng thời đừng hứa làm những điều ngoài khả năng, những điều mình sẽ làm mà mình không biết cặn kẽ nó là việc gì, tốt xấu ra sao. Lời hứa sẽ quy định uy tín của một con người, vì thế phải nhìn sâu, hứa chắc và kiên quyết làm khi đã hứa (một lời hứa tốt). Và nếu lỡ hứa một lời hứa sai, thiếu trí tuệ (những lời hứa vi phạm nguyên tắc đạo đức như giết hại, trộm cắt, tà dâm…) thì khi nhận ra mình phải dũng mãnh sửa sai, dừng lại. Đó mới thật là người hùng!