“Kim vô túc xích, nhân vô thập toàn”

98 lượt đã xem

Gia An biên tập
Nguồn: Vạn điều hay

     Ngạn ngữ có câu: “Kim vô túc xích, nhân vô thập toàn”, ý chỉ đến cả vàng cũng chẳng thể thuần khiết thì con người nào có ai hoàn hảo. Sống trên đời việc có thể vừa lòng tất cả mọi người dường như là một điều không thể. Bên cạnh bạn sẽ có người yêu mến, có người ghét bỏ, có người khen ngợi lại có người không tiếc lời chê bai. Bởi vậy, sống cho mình, cũng là hiểu chính mình, tự tìm tòi niềm vui ở chính bản thân mình, nhìn vào nội tâm, phát triển bản thân, biết được giá trị của mình.

     Chỉ cần bạn nhớ, miệng là của người khác, thị phi là chuyện trong thiên hạ, dù có cố gắng đến thế nào vĩnh viễn bạn cũng không thể quản được, đó càng không phải thước đo để đánh giá một con người. Vì thế, thay vì để bản thân bị chi phối bởi lời nói của người khác hãy học cách tin tưởng bản thân mình. Chỉ cần bạn sống ngay thẳng, trong sạch thì không có gì phải hổ thẹn, càng không phải bận lòng khi có lời gièm pha từ người khác.

Kim vô túc xích, nhân vô thập toàn

     Có hai trường hợp mà chúng ta sẽ phân tích, một là trong một gia đình gia giáo, ba mẹ làm việc nhà nước và có địa vị khá cao. Đứa con khi sinh ra luôn được nuôi dạy theo cách bắt buộc con mình phải học thật giỏi, phải đậu trường này, sau khi học đại học phải học theo ngành mà ba mẹ chọn lựa trước.

     Trong khi đó, con của họ lại không hề thích điều đó cô bé muốn sống theo cách của riêng mình và ngành học mà cô mong muốn hoàn toàn trái ngược với mong muốn của cha mẹ. Nhưng vì lời dèm pha của những người hàng xóm, những người họ hàng , ngay cả ông bà nên cô chấp nhận làm theo ý của cha, mẹ mình.

     Nhưng càng về sau cô càng chán nản vì những điều cô đang làm là vì giữ “sĩ diện” cho cha, mẹ. Vì cha, mẹ làm chức cao thì con cái phải học giỏi phải làm như thế này, như thế kia. Cô sống nhưng không được làm theo ý thích của mình, lúc nào tâm lý cũng áp lực, đè nặng bởi cô sợ những lời chỉ trích của mọi người xung quanh đổ lên đầu cô, đầu gia đình cô.

     Trong một gia đình khác, ba mẹ của cô bé học chưa hết cấp 3, ước mơ của họ đơn giản là muốn các con cố gắng học hành để có tương lai. Họ không thúc ép con hay định hướng cho con mình phải làm gì. Họ để con tự định hướng và chỉ đứng sau lưng con để giúp đỡ khi con gặp khó khăn.

     Cô bé được làm theo ý thích của mình, được học ngành mình mong muốn, được làm những điều mình thích, lúc nào cũng cười vui vẻ. Cho dù bản thân cô gái có thể học không giỏi, không có một công việc ổn đinh, lương không cao nhưng cha mẹ luôn động viên cô. Mặc kệ sự soi mói từ mọi phía, cha mẹ luôn bảo vệ cho cô để cô thực hiện được ước mơ của mình.

     Tài năng thua thiệt người ta một chút không có gì phải xấu hổ. Tài năng có thể giúp bản thân có một công việc tốt, nhưng nhân phẩm lại là thứ tạo nên giá trị của một con người, tạo nên vị thế vững chắc để tồn tại. Tài mà không có đức thì là con dao hai lưỡi. Tài năng, kiến thức bỏ công sức là có thể học được, còn nhân phẩm lại cần một đời để chứng minh.

     Mỗi một người sinh ra đều sẽ không có hoàn cảnh như nhau, khởi điểm cũng khác nhau. Phật gia giảng về nhân quả, những người kiếp này được may mắn cũng là do kiếp trước ăn ở phúc đức, hết thảy có lẽ đều có nguyên do và đạo lý của nó, không phải ngẫu nhiên.

     Nhưng dù như thế nào, chúng ta đều cần sống cuộc sống của bản thân. Nhìn vào cuộc sống của người khác, chúng ta sẽ phí hoài đi thời gian quý báu của mình. Nhân sinh tại thế sống một đời, người thời ý nghĩa, kẻ thời uổng công. Dù ưu thế hay thiệt thòi, người sống trên đời đều có những nỗi khổ riêng. Nếu không hiểu được rằng mỗi người là khác nhau, mà bớt so sánh, để mà chân thật đối diện với chính mình, thì thật sẽ uổng phí một đời.

     Dù có thua thiệt ở một vài phương diện so với người khác cũng đừng vì đó mà nản lòng. Sự thân thiện của bạn sẽ khiến mọi người yêu mến, tôn trọng. Người có ưu thế thuận lợi hơn cũng chớ cười cợt coi thường khác, bởi thế gian vạn sự xoay vần phong thủy luân phiên, khi chúng ta đang chê bai thì có lẽ người kia đang ngày một tiến dần hơn đến thành công rồi.

     Hiểu chính mình, tự tìm tòi niềm vui ở chính bản thân mình, nhìn vào nội tâm, phát triển bản thân, biết được giá trị của mình; Khi nội tâm bạn thật sự được lấp đầy bằng tình yêu thương, khi ta hiểu quy luật nhân quả, hiểu được chân lý và triết lý nhân sinh, bạn sẽ có thêm động lực để dũng mãnh đối diện với nghịch cảnh, tin vào sự công bằng của ông Trời, bạn sẽ luôn sống thật tốt và làm nhiều việc tốt hơn…