Nguồn gốc của lễ Giỗ Tổ
Truyền thuyết kể rằng Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo Cha xuống biển, 50 con theo Mẹ lên núi và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Thường thường nói đến giỗ Tổ là nói đến giỗ Tổ Hùng Vương. Nhưng niên hiệu lập quốc là năm 2879 tr.CN, thời Kinh Dương Vương, người sáng lập ra họ Hồng Bàng.
Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Hùng Vương là cháu đích tôn của Kinh Dương Vương. Giỗ Tổ vì vậy phải là giỗ Tổ Kinh Dương Vương. Trong thời khai quốc, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương đều là những Tổ Phụ quan trọng của nòi giống Lạc Hồng. Giỗ Tổ vì thế nên cũng nhớ đến các Tổ Phụ Tổ Mẫu thời khai quốc, không nên chỉ nhớ đến Hùng Vương không mà thôi.
Hình ảnh người dân tham dự Lễ hội Đền Hùng cách đây hơn 100 năm [Ảnh: sưu tầm]
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương xuất hiện từ khi nào? Theo những tài liệu còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay từ khi lên ngôi đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước.
Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”.
Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL – CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.
Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) – năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Ngày Giỗ Tổ là ngày gì?
Theo truyền thuyết thì có 18 đời vua HÙNG. 1 đời vua là 1 triều đại. Truyền thuyết ghi 18 đời Hùng vương có tổng cộng 180 vua.
Nhưng tại sao chọn ngày ‘giỗ vua tổ’ là ngày trọng đại coi như ngày khai sinh đất nước mà không chọn ngày sinh hay ngày lên ngôi của ngài?
Như vậy nghĩa là ngày giỗ của vua tổ chính là ngày lên ngôi của vua đầu khai sáng triều đại.
Tương tự, quốc gia của người họ Hùng cũng thế, trước khi trở thành 1 vương quốc bao giờ cũng có thời lập quốc, ngày kết thúc thời lập quốc cũng chính là ngày bắt đầu của thời vương quốc, cả thời gian lập quốc được người Việt ‘siêu nhiên hóa’ thành thời trị vì của vua tổ, ngày vua tổ mất chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên tức mốc thời gian bắt đầu có quốc gia dân tộc hay là ngày khởi đầu của lịch sử quốc gia.
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Ý nghĩa của ngày 10/3
Tại sao tiền nhân lại chọn ngày 10/3 chứ không phải là một ngày khác? Theo Dịch học:
– Số 3 trong tháng 3 giỗ tổ là số của Địa chỉ
– Số 10 trong ngày 10 là số của Thiên can.
Tháng 3 âm lịch là tháng Thìn theo lịch nhà Hạ, Thìn là con rồng, Hoa ngữ đọc là LUNG, âm Hán Việt là LONG, Lung và Long là đồng âm của LANG, chính vì điều này con Rồng được dùng tượng trưng cho Vua.
– Năm là số trung cung của Hà-Lạc nơi điều hòa ngũ hành nên được dùng chỉ thủ lãnh, vua, người cầm đầu.
– Trong tiếng Việt: năm hay lăm → lang
Ngôn ngữ Thái và Mường hiện nay từ lang cũng có nghĩa là Thủ lãnh, người cầm đầu.
– Tóm lại: ý nghĩa của số 3 –Thìn chính là Lang là vua.
– Số 10 là can KỶ; đi hết 1 vòng trở về khởi đầu là Kỷ, nên ngày KỶ cũng là Kỵ, ngày KỴ tức ngày Giỗ.
– Số 10 và số 3 căn cứ trên 2 hệ Can – Chi theo Dịch học họ HÙNG giải mã ra là: KỴ LONG ý tứ rất rõ ràng nghĩa là ngày GIỖ VUA.
Vua ở đây là vua tổ như đã trình bày ở trên, ngày giỗ của vua tổ cũng chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên, ngày khởi đầu của vương triều thứ nhất, ngày bắt đầu của Lịch sử quốc gia.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin – thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).
Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:
– “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hoá – Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.
– “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.
– “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá – Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.
Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Cứ ngày 10 tháng 3 âm lịch người người trẩy hội đến với Đền Hùng – tìm về nguồn cội của mình. Lễ hội là dịp để con Lạc, cháu Hồng hành hương về nơi đã sinh ra dân tộc Việt Nam anh hùng – một dân tộc chưa biết cúi đầu khuất phục bất kỳ một tên giặc ngoại xâm nào, kể cả những tên hùng mạnh nhất trên thế giới như Pháp và Mỹ. Đây không chỉ thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với các dân tộc đã, đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới; bạn bè khắp năm châu cảm phục, kính nể dân tộc Việt Nam anh hùng.
Có thể nói ngày 10 tháng 3 hàng năm là ngày duy nhất có được của toàn thể người Việt mà sự hân hoan tự nhiên phát ra từ đáy lòng, là ngày giờ linh thiêng khiến giữa tất cả người Việt với nhau thực sự không có sự ngăn cách nào dù mong manh nhất.
Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà tìm vào những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển từng đến thăm viếng Đền Hùng, chúng ta thật sự xúc động khi được biết Đền Hùng và các di tích trên Nghĩa Lĩnh đã làm cho cả thế giới phải cúi đầu vị nể ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Nhiều dòng lưu bút thừa nhận. “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam… Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam – một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”.
Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Bức thông điệp gửi cho hậu thế
Trong lịch sử ra đời và phát triển của các quốc gia trên thế giới, chưa có quốc gia nào lại có một truyền thuyết về lịch sử hình thành dân tộc một cách sinh động và đầy tính thuyết phục như truyền thuyết về các Vua Hùng chọn đất đóng đô dựng nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã tìm ra bức thông điệp của những truyền thuyết dân gian ấy và khái quát hoá thành chân lý bằng lời dạy bất hủ:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
để các thế hệ cháu con cùng nhau gìn giữ “giang sơn bờ cõi” và viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc đến hôm nay và cả mai sau.
Xuyên suốt mấy nghìn năm kể từ thuở “khai thiên lập địa” đến thời đại Hồ Chí Minh với sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bức thông điệp ấy luôn được các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau gìn giữ và phát huy giá trị tinh thần vô cùng quý giá để truyền từ đời này sang đời khác và coi giá trị truyền thống ấy trở thành “quốc bảo” của cả dân tộc Việt Nam. Bức thông điệp “Giỗ Tổ Hùng Vương” ngày càng được giải mã để làm rõ thêm nhiều giá trị về tính linh thiêng và nhiều giá trị truyền thống đạo lý quý báu được ẩn sâu trong những thông điệp về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” và thông điệp về sức mạnh của tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc để tạo thành một khối thống nhất trong tình ruột thịt với hai tiếng “Đồng bào”. Cũng từ bức thông điệp vô cùng quý báu của cha ông ta đã để lại cho hậu thế hôm nay, Đảng và Nhà nước ta đã làm tăng thêm giá trị của bức thông điệp và ngày càng làm sáng tỏ ý nghĩa lý luận to lớn về bản chất mang tính quy luật của lịch sử, làm cho nó trở thành một quy luật bất biến của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình lịch sử dân tộc: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”.
Từ xa xưa trên vùng Đất Tổ trung du Phú Thọ đã in đậm trong tâm thức của mỗi người dân bức thông điệp về Giỗ Tổ Hùng Vương thông qua câu ca truyền tụng nhau:
“Tổ Hùng là vị cha chung
Trăm con ở khắp mường trong mường ngoài,
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba,
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Với ý thức ghi nhớ công lao của Tổ tiên cội nguồn dân tộc; với trách nhiệm là “dân trưởng tạo lệ” thông qua việc tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm vào ngày mồng mười tháng ba âm lịch thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân được xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, ông bà từ hàng ngàn đời nay trên vùng quê Đất Tổ đã trở thành di sản tinh thần bền vững trong văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của người dân Đất Tổ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.
Các thế hệ cha ông trên vùng quê Đất Tổ mong muốn gửi cho hậu thế bức thông điệp qua việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương để luôn nhắc nhở các thế hệ cháu con về cội nguồn dân tộc và tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên theo triết lý “Cây có gốc, nước có nguồn, con người có Tổ, có Tông” thể hiện lòng biết ơn, tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang như trong bộ sách sử “Việt Sử Lược” xưa nhất của nước ta còn lưu lại đã chép thì vào thời đại tương đương với vua Trang Vương nhà Chu ở Trung Quốc (696- 681 Tr. CN): ” Ở vùng Gia Ninh có một dị nhân có khả năng dùng phép thuật thần kỳ để thần phục các bộ lạc ở đó và tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang và đặt quốc hiệu là nước Văn Lang, biết cách ghi chép sự kiện bằng cách thắt các nút dây thừng và biết làm chính trị, truyền được 18 đời tự gọi là Hùng Vương”.
Thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức nguyên niên (1470) đã cho soạn Ngọc phả Hùng Vương với tên gọi đầy đủ là “Hùng đồ thập bát diệp Thánh Vương ngọc phả cổ truyền”, trong đó ghi rõ: “… Hoàng triều ta chuẩn cho miếu, điện và các làng đăng cai là thôn Trung Nghĩa xã Nghĩa Cương được miễn tô thuế, tạp dịch để phụng thờ theo lệ cũ để dài lâu quốc mạch, lưu thơm muôn đời, thịnh cường mãi…”.
Đến triều đại vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), sau khi đã giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ 20 năm của phương Bắc, đã khẳng định nền độc lập tự chủ và nền văn hiến lâu đời của nước Đại Việt qua bản tuyên ngôn về lòng tự tôn dân tộc bằng nguyên lý: “Vật gốc từ Trời, người gốc từ Tổ, ví như nước và cây phải có gốc nguồn… Vì rằng gốc có vượng thì lá mới tốt, nguồn có sâu thì dòng mới dài, nếu không có nhân ân của đời trước bồi đắp dày dặn, phúc trạch đời trước chung đúc lớn lao, thì làm sao lại có thể được như (ngày nay) vậy”. (Lời tựa sách “Lam Sơn thực lục”).
Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên – bộ sử đầu tiên của nhà Lê đã ghi rõ quan điểm nhìn nhận, xác định giá trị về nguồn gốc của dân tộc cũng đã nói đến Núi Nghĩa Lĩnh – nơi có Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương cùng với sự tự tôn dân tộc với các quốc gia láng giềng khác: “Sử để ghi chép việc, mà việc hay hay dở dùng làm gương răn cho đời sau… Nước Đại Việt ta ở phía Nam Nghĩa Lĩnh, thế là trời đã chia vạch Nam Bắc. Thuỷ tổ ta ra tự con cháu Thần Nông thị. Thế là Trời đã sinh ra chân chúa. Vì thế mới cùng Bắc triều đều làm chủ một phương”.
Trong “Bình Ngô đại cáo” Ức Trai Nguyễn Trãi lại khẳng định hùng hồn hơn nữa bằng áng hùng văn rung động lòng người:
“Như nước Đại Việt ta từ trước.
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia.
Phong tục Bắc Nam cũng khác…”
Câu ca dân gian và tư tưởng của người anh hùng dân tộc Lê Lợi (thế kỷ XV), người đã được nhà yêu nước Phan Bội Châu tôn làm “vị tổ trung hưng thứ hai của dân tộc Việt Nam ta” và những chân lý lịch sử đã được sử sách ghi chép và đã được nêu trong tuyên ngôn của Bình Ngô đại cáo đã gửi cho hậu thế những thông điệp quý giá về công lao của các Vua Hùng – Vị thuỷ tổ của dân tộc đã đặt nền móng cho một quốc gia trở thành một hiện thực gần gũi đối với mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng qua những nghi thức của tập quán thờ cúng Tổ tiên và Giỗ Tổ Hùng Vương được cộng đồng cư dân Phú Thọ gìn giữ qua bao đời nay làm thành bức thông điệp của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương là nghi lễ thiêng liêng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của các thế hệ đi trước tri ân công đức các Vua Hùng đã trở thành biểu tượng của nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thông qua việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương là vấn đề linh thiêng nhất của tín ngưỡng đặc trưng văn hóa Việt Nam. Đó cũng chính là nền tảng cho lòng tự hào về một dân tộc có cội nguồn, có bản sắc văn hóa riêng và có nền độc lập chủ quyền về biên giới quốc gia đối với các nước lân cận.
Trải suốt thời Lê qua thời Tây Sơn tồn tại tuy ngắn ngủi, nhưng trong sách Nam Việt thần kỳ hội lục viết vào năm 1763 có ghi về việc triều đình ban sắc phong cho các địa phương thờ Hùng Vương thuộc Sứ Sơn Tây viết: “…Thánh Tổ Hùng Vương đền thờ chính tại xã Hy Cương, huyện Sơn Vi, xứ Sơn Tây (đã được ban sắc phong). Dân các xã thuộc các huyện, xứ cùng phụng thờ tổng cộng có 73 xã (trong đó có 12 xã được ban sắc phong, 61 xã chưa được ban sắc”. Năm 1789, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi đại phá quân Thanh thắng lợi chỉ một tháng sau đã ban một ân điển có viết:”… Nay Trẫm vâng mệnh trời, giữ việc giáo hoá, xét theo điển cũ thờ tự, chuẩn cho xã Hy Cương được làm dân hộ nhi, ban xuống cho hợp thành ân điển, theo lệ cũ làm trưởng tạo lệ…”.
Thời nhà Nguyễn (1882-1945), với chủ trương nêu rõ nguồn gốc của quốc gia nên Đền Hùng và việc phụng thờ Hùng Vương càng được đề cao. Triều đình chuẩn y cho chép vào bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục mở đầu từ thời đại Hùng Vương. Hàng năm, triều đình liên tục cử các quan đại thần và cấp tiền để tu bổ, xây dựng đền thờ và Lăng mộ Hùng Vương ở Đền Hùng. Quy định Xuân, Thu nhị kỳ hàng năm mở hội làm lễ tế. Hùng Vương được đưa vào hàng Thượng đẳng thần và rước linh vị các Vua Hùng từ Đền Hùng vào thờ tại miếu “Lịch đại đế vương” giữa kinh đô Huế.
Cùng với triều đình, nhân dân khắp nơi trong cả nước đã lập đền thờ các Vua Hùng và về Đền Hùng sao chép thần tích, ngọc phả đem về thờ ở địa phương mình. Dưới thời Nguyễn, đã thống kê có hơn 1.000 làng xã lập đền thờ với khoảng 1.600 di tích thờ Hùng Vương và vợ con tướng lĩnh của các Vua Hùng.
Từ năm 1917 đã chuẩn định ngày Quốc lễ (ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm). Trong ngày giỗ Tổ, triều đình đã uỷ quyền cho quan tuần phủ của tỉnh Phú Thọ về Đền Hùng làm Chủ lễ, các quan tri phủ, tri huyện làm bồi tế, hàng năm mở hội để nhân dân về phụng thờ hương khói Tổ tiên và tổ chức nhiều các trò chơi dân gian truyền thống. Quy định nghiêm ngặt cả về việc Lễ phẩm dùng cho ngày này là Tam sinh gồm: bò, dê, lợn, xôi… Trích số tiền tự lợi bao nhiêu, cùng số tiền 100 đồng do triều đình cấp mỗi năm, giao cho phủ Lâm Thao nhận lấy mua lễ phẩm. Nếu vào năm tròn, năm chẵn thì Hội đồng phải có sự bàn bạc thống nhất về lễ phẩm và nghi lễ sau đó trình lên Phủ đường có công văn xin thì mới được thi hành.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 22C NV/CC, ngày 18/2/1946, qui định về các ngày nghỉ lễ, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Ngày 11/4/1946, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương đầu tiên của nước Việt Nam vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý để nhân dân thủ đô Hà Nội tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương với các nghi thức truyền thống trọng thể ngay tại Thủ đô Hà Nội. Lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Việt Nam mới đã đến dự cùng với đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô với linh khí thiêng liêng của ngày Giỗ Tổ hòa quyện với tinh thần cách mạng trong ngày độc lập dân tộc vừa thành công đã để lại dấu ấn sâu sắc trong ký ức của đông đảo quần chúng nhân dân thủ đô như một mốc son không thể nào phai.
Cùng thời gian đó, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu một đoàn đại biểu của Chính phủ đã đích thân lên Đền Thượng trong Khu di tích Đền Hùng tại Phú Thọ dự lễ và đã dâng lên ban thờ Tổ Tiên tấm bản đồ non sông gấm vóc Việt Nam và một thanh kiếm để thể hiện ý chí “Độc lập tự do; Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của toàn dân quyết giữ vững nền độc lập non trẻ của Tổ quốc.
Kế tục truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương và để tôn vinh giá trị tinh thần to lớn của di sản văn hóa truyền thống, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chính thức quy định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ của toàn thể dân tộc (tại nghị định số 82/NĐ-CP ngày 06/11/2001).
Tất cả những việc làm của các triều đại phong kiến độc lập tự chủ (từ thế kỷ X đến năm 1858) và từ tháng 8/1945, sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là quá trình xây dựng và củng cố một nghi thức mang ý nghĩa tâm linh to lớn của quốc gia dân tộc Việt Nam với mục tiêu xây dựng một biểu tượng, một động lực cho tinh thần đại đoàn kết toàn quốc gia – dân tộc, là chỗ dựa tinh thần của dân tộc chống lại sức ép đe dọa xâm lược của các thế lực đế quốc bên ngoài, làm thành bức thông điệp của quá khứ gửi cho các thế hệ hôm nay và mai sau có trách nhiệm bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị tinh thần vô giá về Giỗ Tổ Hùng Vương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam .
Nguồn tin:
– Trần Thị Tân – Trần Thị Tân – Khoa KH Xã hội và Nhân văn [Trường đại học Nha Trang]
– Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ.