Tác giả: Phạm Thanh Thúy
Ảnh minh họa: Hồng Thiện Cường
Phiên chợ nào Mạnh cũng gặp anh Hiên. Anh Hiên một mình cai quản một quầy rau củ quả tươi roi rói, cứ như chúng vừa được hái từ trên cây xuống, lúc nào cũng bận bịu vì các bà các chị cứ xúm vào mua hàng của anh, nói anh bán rẻ lại thoáng. Chị Thơm bán trứng vịt bên cạnh bảo anh Hiên còn là đại tổng quản của cả một đàn vịt hai trăm con đẻ trứng vàng. Anh không phải lo mang trứng ra chợ vì hễ vịt nhà anh đẻ là khắc có người đến tận nơi mua.
Anh Hiên cũng không nhất thiết phải ra chợ bán hàng. Anh muốn thì chỉ cần gọi người ta đến chở đi, bán với giá rẻ một chút, ở nhà ngủ cho nhàn thân, nhưng anh không đến chợ không được, quanh năm bươn bải ngoài cánh đồng mênh mông gió đó, không đến chợ chừng nào mới cưới được vợ. Mọi người bảo anh Hiên đi chợ chủ yếu là để kén vợ. Mà anh cũng già kén ghê cơ, có biết bao cô nàng nguyện theo anh ra đồng làm bạn trăm năm mà anh đâu đã chịu. Có lần anh Hiên tiết lộ rằng anh đã thầm thương một người từ lâu, lâu lắm rồi mà không dám ngỏ. Anh nói mà lại quay sang nhìn Mạnh chăm chú, ánh mắt dịu dàng mà đầy tâm trạng, cứ như Mạnh là cô gái anh yêu vụng đó vậy.
Anh Hiên thường hết hàng sớm, nhưng bao giờ cũng nản lại đợi Mạnh, phụ bản giúp Mạnh. Anh bảo hai anh em về chung đường cho vui. Nói thế, chứ tới khi về chung đường rồi thì anh lại chẳng nói gì, cứ im thít như ngậm hột thị. Sự im lặng đó khiến Mạnh cảm thấy rất nặng nề. Thà rằng đi bên cạnh người lạ hoàn toàn thì còn dễ chịu. Đằng này…
Nhưng bao giờ sắp tới ngã rẽ, sắp chia tay, thế nào anh Hiên cũng gợi chuyện. Thường anh chẳng hỏi gì nhiều ngoài chuyện liên quan tới mấy con trâu nhà Mạnh. Như chúng có khỏe không, trâu mẹ chừng nào sinh nghé con, mùa hè anh bảo nắng cho trâu tắm, cái giống đó chịu nóng kém, mùa đông sương giá anh hỏi đã cho trâu đủ ẩm chưa, đừng để chúng chết mà tội nghiệp. Hỏi rồi bâng quơ để đó, nhiều khi Mạnh muốn nán lại thêm tí chút, coi chừng anh Hiên có hỏi chuyện gì khác không, cơ mà anh Hiên không hỏi, chỉ đâu có đôi lần anh hỏi chị Nhạn chừng nào lấy chồng nhớ mời anh ăn cỗ nhé. Anh em mình, chở có phải ai xa lạ đâu mà ngại.
Ngã rẽ là nơi anh Hiên lái con xe Win đời cổ lai hy nhưng khỏe như trâu mộng lên con đường đất gồ sống trâu ra ngoài cánh đồng mênh mông gió, còn Mạnh về nhà trên con đường đất nhỏ ngập bóng hoàng đàn. Xóm nhỏ dưới chân đồi, có ngôi nhà đã cũ, cây trạng nguyên mùa đông đỏ lá, rực lên như một đốm lửa tươi vui. Đó là cây trạng nguyên nhà Mạnh.
Chị Nhạn yêu nhất cây trạng nguyên. Chị bảo hồi ba mẹ còn sống, họ trồng cây trạng nguyên trước ngõ là mong sau này hai chị em học hành đỗ đạt, vinh danh dòng họ. Nhưng bao năm qua rồi, ba mẹ đều đã xanh cỏ. Hai chị em lặng lẽ nuôi nhau, lặng lẽ lớn khôn. Bây giờ, khi Mạnh đã là một thiếu niên mạnh khỏe, sắp lên thành phố học, thì Mạnh biết rằng những cô bạn cùng lứa với chị Nhạn đều đã chồng con hạnh phúc cả rồi.
Chị Thơm bán trứng vịt ở chợ, sau lần anh Hiên nói anh thương một người đã lâu mà không dám nói, thì nhỏn nhẻn cười, nói thằng cha đó thương chị Nhạn mày đó. Mạnh cãi đâu có, chị Thơm không thèm trả lời, mà tỉnh queo hỏi lại: “Chứ sao lúc nó nói thương một người xong, quay sang nhìn mày vậy?”. Mạnh đỏ mặt, cãi:“Đâu phải, anh ý đâu có nhìn em”. Chị Thơm cười khoái trả: “Nó nhìn mày là nó liên tưởng chị mày đó, chứ mày đàn ông con trai, nó thiết tha gì…
Câu nói của chị Thơm cứ bay lơ lửng trong đầu Mạnh hết phiên chợ này tới phiên chợ khác. Nó bồn chồn lòng Mạnh tới mức bao lần Mạnh định hỏi thẳng anh Hiên xem có phải anh thích chị em không, nhưng không dám hỏi, nghĩ thế thì vô duyên quá, mà nhỡ mình ngộ nhận thì sao… Biết bao lần đi cùng nhau, Mạnh thiết tha chờ anh Hiên hỏi qua chuyện đàn trâu, rồi hỏi tới chị Nhạn, cơ mà anh Hiên đâu có hỏi, chỉ chừng hai lần thôi, mà hai lần đó đều nói khi nào chị lấy chồng nhớ mời anh ăn cỗ. Hỏi thăm“ác” vậy thì chừng nào phải thương mới nhớ.
Nhưng nhiều đêm Mạnh băn khoăn ghê lắm, anh Hiên có thích chị Nhạn thật không mà các chị hàng chợ cứ bóng gió xa xôi, mà sao anh cứ hỏi thăm đàn trâu nhà Mạnh chứ, chẳng phải ở nhà Mạnh, ngoài Mạnh ra, chị Nhạn thương nhất đàn trâu đấy ư. Thế thì… thế thì…
Chị Nhạn ngày nào cũng lùa ba con trâu lên đồi sau nhà thả cho chúng tìm cỏ. Thời gian còn lại chị cặm cụi trồng rau. Mùa này qua mùa khác, chị nuôi Mạnh lớn khôn, trong nhà không giàu có nhưng chị cũng không để Mạnh phải thua thiệt bạn bè. Người làng bảo Mạnh chỉ có chị mà khối người có cả bố mẹ cũng không bằng. Lúc bé, ai trêu Mạnh là nếu chị lấy chồng thì Mạnh ở với ai, Mạnh không thích, còn ghét ra mặt những anh đến yêu chị. Lớn rồi, Mạnh tự hào về chị, cũng thương chị nhiều hơn. Chị bảo đời này chị không lấy chồng, ở mãi như vậy nuôi Mạnh nên người.
Anh Hiên một sáng chở rau đến chợ, khoe sắp cưới vợ đến nơi rồi. Cái tin vui của anh như có cánh, bay khắp chợ. Anh vui lắm. Sao người ta cứ lấy vợ lấy chồng là vui trên hết vậy trời?
Mạnh không biết nữa. Chỉ bỗng dưng thấy buồn tan nát, cứ như anh Hiên là người yêu cũ của Mạnh vậy. Người ta nói ai nghe tin người yêu cũ lấy chồng hay lấy vợ cũng buồn ghê lắm. Nếu có ai đó vui hớn hở thì là vui giả vờ đấy thôi. Là do người đó biết đóng kịch giỏi.
Mạnh không biết tâm trạng của mình sao nữa, tự dưng thấy giận anh Hiên. Thế đấy, Mạnh nghĩ tới chị Nhạn, từ lâu, không biết tại sao, trong lòng Mạnh luôn nghĩ đời này anh Hiên và chị Nhạn sẽ về chung một nhà, thế mà bây giờ…
Anh Hiên đuổi kịp Mạnh giữa đường, hỏi sao hôm nay về vội thế, không đợi anh. Mạnh ậm ừ, nói em có chút chuyện. Nhưng dường như anh Hiên không quan tâm để ý câu trả lời, cũng như cái mặt nặng như đeo đá của Mạnh, anh bảo:“Hôm qua anh đến nhà em chơi, mà cửa đóng, anh không dám gọi”. Mạnh hừ hữ: “Anh đến mời em đám cưới chứ gì?”. Anh Hiên phì cười: “Anh lấy vợ hồi nào đâu mà cưới. Chẳng qua nói thế cho mọi người mừng hụt chơi”
Rồi anh Hiên nhìn bâng quơ những thửa ruộng bên đường. Mùa khô, ruộng trắng gốc rạ, từng đàn chim sẻ đậu xuống, chốc chốc lại rào rạo bay lên.
“Mạnh này, anh hỏi thật nhé. Chị Nhạn em… đã có người yêu chưa?”.
“Có mấy người đến chơi, nhưng chị em không thích”.
Trả lời xong, Mạnh thấy ngờ ngợ. Anh Hiên hỏi thế chẳng phải là…
“Sao không thích?
“Em làm sao biết được. Chị em chỉ nói chị lấy chồng thì ai chăn mấy con trâu”.
“Vậy à. Sao lý do kỳ cục thế. Nếu có người yêu chị ấy đến quên ăn quên ngủ thì sao, chị ấy cũng vì đàn trâu mà để người ấy chết vì không ăn không ngủ à?”.
Giọng anh Hiên có vẻ hờn dỗi khiến Mạnh phì cười.
“Thế người đấy là ai, em có biết không? Là anh à?”
Anh Hiên không trả lời, mà buồn xa quay xe vào con đường sống trâu dẫn ra cánh đồng lộng gió. Mạnh nhìn cây trạng nguyên trước ngõ nở hoa đỏ nhà mình phía xa xa, chợt thấy một nỗi buồn vô cớ trong lòng. Mạnh không biết vì sao mình buồn. Chỉ thấy buồn, vậy thôi.
Buổi tối, anh Hiên diện sơ mi màu cà rốt trong áo khoác đen lái xe qua nhà Mạnh chơi. Chị Nhạn đi đón trâu chưa về. Hai anh em ngồi uống nước, hết nói chuyện chợ búa lại sang chuyện học hành. Rồi lại chuyện học hành sang chuyện chợ búa. Trăng non đã lên đến đỉnh đầu mà chị Nhạn vẫn chưa về, lòng Mạnh rối bời. Lòng anh Hiên cũng rối bời, vì hễ cứ có tiếng động nào phía cổng cũng khiến anh bồn chồn. Nhưng chị Nhạn vẫn không xuất hiện.
Anh Hiên về một lúc lâu mới thấy chị Nhạn về. Chị đặt đôi quang gánh xuống sân, mỏi mệt. Mạnh biết chị không về, cứ mải miết làm cỏ cho bãi rau dưới ánh trăng, vì không muốn gặp anh Hiền mà thôi.
Tối hôm ấy, khi Mạnh đun nước dưới bếp, chị Nhạn chạy về vừa đến sân đã khóc to.
“Mạnh ơi. Mất trâu rồi. Cả ba con. Trời ơi. Chị biết làm sao bây giờ?”.
Mạnh đợi chị bình tĩnh lại, mới cầm tay chị dẫn vào nhà. Trên chiếc bàn uống nước, một cọc tiền để gọn gàng trong một chiếc đĩa sứ.
“Ba con trâu đây. Em đã bán rồi, người ta nuôi làm trâu nái, em đã thắp hương báo cho bố mẹ biết rồi”.
Chị Nhạn sửng sốt nhìn Mạnh, dang tay tát Mạnh một cái thật kêu.
“Bán trâu rồi, chúng ta sống thế nào đây hả?”
Mạnh không đau vì cái tát của chị, nhưng nó vẫn làm nước mắt Mạnh giàn giụa.
“Nếu em không bán trâu, chị sẽ không lấy chồng. Anh Hiên rất thương chị mà.”
Chị ôm mặt, ngồi xuống ghế khóc rất lâu, cho đến khi anh Hiên đến từ bao giờ, nhẹ nhàng nâng chị đứng dậy.