Bạn hiền

25 lượt đã xem

Có một “BẠN HIỀN” gọi điện rủ đi nhậu, tôi kêu con đang bịnh phải đưa bệnh viện, tiếc quá không qua tới được.

bạn hiền

“Vậy, thôi nghen” – điện thoại cúp cái rụp, khiến cho tôi lúc đó mặc dù không muốn kéo dài cuộc trò chuyện cũng cảm thấy thật chưng hửng.

Càng ngày tôi càng gặp những tình huống tương tự như vậy. Nếu như không có sự đáp ứng giữa hai bên thì cứ là cắt đứt cái rẹt. Cho dù bạn bè, dẫu một câu lịch sự: “Con mày bịnh à, thế có nặng lắm không?”, đại loại vậy, thì dường như cũng không cần thiết. “Bọn tao đang vui, hú mày tới chơi, mày không tới được thì thôi.” “Vậy, thôi nghen.” Không phải là sợ tốn tiền điện thoại, cũng chẳng phải là không có thời gian. Nhưng cứ “Vậy, thôi nghen” cho nó khỏe, có khi là cho rảnh nợ, vì biết nếu cứ dông dài thêm cũng chẳng được gì.

Từ câu chuyện nhỏ của mình, nhìn ra ngoài một chút thì thấy quả là đang có cái hội chứng “Vậy, thôi nghen” như thế. Nhiều phụ huynh tỏ ra rất tình cảm với thầy cô giáo dạy con mình, thăm hỏi, quà cáp rất đều. Thế nhưng khi con mình vừa xong lớp thì liền “Vậy, thôi nghen” ngay lập tức. Thậm chí ra đường gặp thầy cô giáo cũ không them chào hỏi lấy một câu. Trong cơ quan, các nhân viên thường rất o bế sếp, thậm chí nghe tin đứa cháu đằng chồng của cô em vợ sếp chơi đá banh bị trầy tay cũng tổ chức thăm viếng tặng quà rất hoành tráng. Thế nhưng, mới ngày trước là như vậy, nhưng ngày hôm sau, vì một lý do nào đó sếp không còn là sếp nữa thì “Vậy, thôi nghen” tức thì. Ví dụ còn nhiều, kể ra còn dài. Ngẫm về quan hệ giữa người với người thấy sao mà chán quá. Có lẽ cái câu “Chán như con gián” phải sửa lại là: “Chán như con người”.

Không biết những người khác thì sao, chứ tôi thì càng ngày càng thấy giữa con người như có một bức tường vô hình. Nhiều khi trong một đám đông bắt tay bắt chân cười nói rôm rả, nhưng rồi khi về chẳng biết mình vừa nói chuyện với ai, mình đã cười vì cái gì? Rồi chợt mạo mụi nghĩ rằng, dường như con người ngày càng diễn với nhau như trên sân khấu chứ không phải sống với nhau như trong cuộc đời. Cái tính chất tư lợi, cái quan niệm “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” là khá phổ biến.

Người thì chơi với ai? Lẽ đương nhiên người phải chơi với người. Nhưng hình như không phải vậy. Nhiều người bây giờ bắt chước thánh nhân học lối sống vô vi vô sự. Tới cơ quan thì làm cho tròn phận viên chức, chẳng gây mích lòng ai, sống thực sự là khi về nhà chăm cái bể cá, hoặc trông phong lan, hoặc nuôi cho kiểng… đó là chưa kể có những người “chơi” hẳn với thú dữ như sấu, gấu, hổ… với cái triết lý thú dữ còn hiền hơn con người(!)

Vào một chiều nắng đẹp trong công viên, chúng tôi nhìn thấy một cô gái trẻ đẹp mặc váy rất xinh đang ôm choàng một cái cây, mắt nhắm nghiền miệng thì thầm liên tục như tỏ tình. Thằng con tôi hỏi: “Ba ơi, sao cô kia lại úp mặt vô cái cây?”. Tôi buồn cười quá, không biết trả lời như thế nào. Cũng may thằng con, bằng sự hiểu biết nhanh nhảu của một học sinh lớp một tự trả lời luôn: “Chắc là cô ấy bị chú công an phạt”.

Người thì chơi với cây, có lẽ đó là trường hợp của cô gái ấy, người khác lại chơi với chim. Người khác nữa thì chơi với chuột. Và, có người mê chơi với đá v.v và v.v… Xem ra, ngày càng có nhiều người chọn đối tượng chơi không phải là đồng loại của mình. Khi người chơi với những thứ … không phải là người thì cứ như là rút ruột, mang hết tâm tình, tâm huyết ra mà chơi. Còn khi người chơi với người thì hoặc dè chừng hoặc khôn ngoai kiểu như “Thôi, vậy nghen” như tôi nói ở trên. Nhưng xem ra chơi như vậy còn đỡ hơn là những kiểu chơi như “bỏ bóng đá người”, “ném đá dấu tay”, “thọc gậy bánh xe”… rất ư là mệt mỏi.

Không muốn sống gần con người, một ngày kia vị Nam tước Cosimo nhỏ tuổi đã tót lên cây và ở miết trên những ngọn cây cho đến hết cuộc đời. Đó là câu chuyện thú vị trong cuốn tiểu thuyết Nam tước trên cây của nhà văn người Ý Italo Calvino (1923 – 1985) là một câu chuyện tưởng tượng nhưng đọc xong cũng chợt thèm được sống như thế. Trên cây, tức trên cao, vào cây ở đây là một nghĩa rộng của thiên nhiên. Lẽ dĩ nhiên là phải ráng chơi làm sao cho coi được.