Bà vắng nhà

26 lượt đã xem

Tác giả: Hoàng An
Ảnh minh họa: Hồng Thiện Cường

     Mở mắt, ông Hưng liền nhận ra ngay, lý do khiến ông thức giấc chính là sự tĩnh lặng lạ lùng của căn buồng, chứ không phải vì những âm thanh quen thuộc thường ngày mỗi sớm mai. Thậm chí cũng không phải là do tiếng gù ấm áp của con chim câu nhà ông Phan bên hàng xóm.

     Tĩnh lặng đâu mà tĩnh lặng lại lùng thế! Nó là sự vô thanh tuyệt đối. Nó là sự mông quạnh mang hình dáng một ngôi đền thiêng hay một tòa tháp cao chất ngất đang đè ép lên ông. Mọi khi đâu có thể. Mọi khi, ông thức giấc trước hết là do tiếng dép đi rón rén ở cầu thang của bà. Tiếp đó là tiếng cái vòi nước chảy xè xè. Tiếng vỗ ra bồm bộp. Và cuối cùng là tiếng cái còi báo hiệu nước sôi ở cái ấm đun nước ré lên một hồi dài, nghe thật ấm áp và thân thương, ở căn bếp dưới nhà.

     Còn bây giờ thì tĩnh lặng quá! Tĩnh lặng như chốn không người. Đến mức ông đã giật bắn mình và vội vàng nhổm phát dậy, hấp tấp đi tới chiếc máy điện thoại vừa đổ chuông và chỉ thật sự thở phào qua cơn hồi hộp khi nhấc ống nghe lên.

     – Bầu đấy à. Thế cháu chưa đi học à?

     – Cháu sắp đi học rồi. Ông ơi, bố cháu hỏi, hôm qua bà từ trên quê có gọi điện về cho ông không ạ?

     Chà, thì ra là vậy. Thì ra việc bà về quê thăm cô con dâu cả ở cữ, đã trở thành một sự kiện gây nên mối quan tâm của cậu con trai và đứa cháu nội. Hơn nữa, tạo nên một khoảng trống vắng kỳ lạ trong tâm tưởng không chỉ ở một mình ông.

     Bây giờ thì khoảng trống vắng mà ông nhận ra lúc vừa tỉnh giấc, rồi sau đó, càng trở nên rõ rằng sau cú điện thoại của đứa cháu, đã là một thực thể có hình bóng hẳn hoi rồi. Đó! Tiếng chân ông dội lên nghe rõ mồn một chưa! Đó! Cái gian bếp quanh quế! Cái bàn ăn trở trống. Và đây nữa. Mở cái tủ lạnh, ông nhận ra, bánh mì, còn, pa tê, còn. Nhưng sao lúc này ông lại chấn chừ, rồi nghĩ ngợi thế nào đóng cửa tủ lại.

     – Nhà có người ra lấy báo nhé! Nghe có tiếng anh bưu tá ở ngoài cửa, ông liền rảo bước đi ra. Chà, hôm nay thứ bảy, các báo hằng tuần đặt mua ùn về cả một xấp hơn chục tờ. Ôm xấp báo, ông đi vào, rồi như kẻ đãng trí quên khuấy luôn bữa ăn sáng, lần ra cầu thang đi lên gác.

     Cuc cu cu cu… cu! Cúc cu cu cu… cu! Con chim câu có chất giọng thổ bên nhà ông Phan đã cất tiếng gáy như thường. Sao nghe tiếng con chim câu ông lại đặt xấp báo xuống đi văng, rồi đứng ngẩn. Mọi ngày đâu có thể. Mọi ngày, vào lúc này bà đã đi chơi về. Và thế là bắt đầu vào cuộc đôi hồi. Thì ra hôm nay ở chợ phường đã có người bán trám xanh, món ăn ông ưa thích, bà đã mua nửa cân rồi. Thì ra nấm đông cô, ngưu bàng, cà rốt đỏ, củ cải trắng, bà đã mua đủ để từ mai nấu thành canh dưỡng sinh cho ông ăn đây. Món này, nghe nói vừa bổ dưỡng vừa hạ áp huyết đấy, ông ạ. Ấy thế, trong khi bà cứ rầm rì rỉ rả thì ông mở soàn soạt từng tờ báo và thi thoảng lại ngắt lời bà: “Bà thằng Bầu này, có cái tin này, tôi đọc cho bà nghe nhé…. Ôi, cái cuộc sống đời thường với những tiết đoạn quen thân đến mức nhớ tới lại nao nao.

     ***

     Ô! Bác Hưng. Thế mà cử tưởng ai. Tôi đang sửa cái lồng cho con chim câu.

     Cuối cùng thì sau một cái với tay của ông Phan, cùng cánh nhà báo mới về hưu, ông Hưng đã lọt vào căn buồng ngoài nhà ông bạn hàng xóm. Căn buồng hẹp. Ông Phan to béo phục phịch, quần soóc, may ô trắng, trang phục rõ dân sành điệu chịu chơi, đang cầm chổi quét vecni vào cái lồng chim hình chiếc chuông cao bằng cái ghế đầu. Đó là chiếc lồng ông mới mua về để thay thế chiếc lồng quả vả, chật hẹp đang nhốt con chim câu treo ở ngoài hiên.

     – Bác Hưng ạ. Tôi là tôi cóc tin. Thành ra tôi mới làm một cái trắc nghiệm. Ấy thế. Ông bạn cho tôi con chim này bảo: Con chim câu tôi biếu ông, quê hương nó là vùng ngã ba sông Bạch Hạc – Việt Trì. Giờ, về thành phố, bị giam trong cái chuồng chật hẹp cô nàng mới càng nhớ quê, tiếng gù của nó mới càng nỉ non khắc khoải. Nên bây giờ mà tôi cho nó ra cái lồng rộng rãi thênh thang là nó….. tịt luôn tiếng gáy đấy! Hà, tin thế nào được, có phải không ông?

     – À, thì ra là con chim cũng có nỗi nhớ!

     – Thì nó cũng là con vật, nó cũng có thói quen chứ.

     Bỏ cái chổi quét vecni xuống cái bát, ông Phan đứng dậy, xách chiếc lồng ra sau nhà rồi quay lại, ngồi xuống súc ấm pha trà.

     – Đấy, ở cạnh nhau mà có khi cả tuần chả sang thăm hỏi nhau. Thế hồi này bác có viết được nhiều không? Căn bệnh huyết áp từ hồi đi viện về có đỡ không?

     – Huyết áp thì ngày nào bà nhà tôi cũng đo cho tôi. Chỉ trăm bà trăm tư thôi. Còn viết lách thì tuổi cao rồi, chỉ nhì nhằng thôi, ông ạ.

     – Nhì nhằng thì cũng vẫn là tay nghề thợ bậc bảy. Bà xã nhà ta là dân kỹ thuật à. Thế mà tôi cứ tưởng là bác sĩ cơ đấy. Mà mấy hôm nay bà ấy đi đâu thấy văng vắng thế nào ấy nhỉ!

     “Bà ấy nhà tôi… Đã định giải thích với ông bạn hàng xóm, nhưng nghĩ thế nào, ông Hưng lại thôi. Và ông liền cầm chiếc mũ vải, chụp lên đầu. Dưới bếp nhà ông Phan, chuông đồng hồ quả lắc đang tinh tang hồi chuông báo 11 giờ.

     Mở cửa nhà, ông Hưng bước vào, sực nhớ cắm nồi cơm điện cho bữa trưa thì liền nghe thấy tiếng chuông điện thoại đổ hồi.

     – Ông ơi, cháu là Bầu đây. Hôm nay các cô giáo đi họp, cháu được về sớm, ông ạ.

     – À thế à, cháu!

     – Ông ơi, ông đã ăn cơm chưa?

     – Ông cắm nồi cơm điện rồi.

     – Ông à, bố cháu nói tí nữa sẽ mang thức ăn đến cho ông đấy, ông ạ.

     – Không cần đâu. Thịt lợn rim. Cá chép kho. Bà làm sẵn để trong tủ lạnh cho ông rồi. Cả bắp cải với cà chua cũng có rồi, cháu ạ.

     – À, ông ơi, trước khi đi, bà có dặn cháu là mười hai giờ thì gọi điện nhắc ông uống thuốc huyết áp với cả thuốc chống đông máu nữa đấy, ông ạ.

     Ngồi xuống ghế, nghe tiếng cơm sôi lục bục trong nồi, ông Hưng bỗng bật cười về mình. Không khéo ông sắp trở thành ông già lẩm cẩm, kẻ dở người rồi. Nào có phải là trai gái ở thời kỳ mới yêu nhau, hay đôi lứa ở lúc hương lửa đang nồng. Có dâu có rể rồi, có con trai con gái, có cháu nội cháu ngoại rồi. Mà bà chỉ đi xa dăm bảy ngày rồi lại về thôi mà sao ông đã rơi vào trạng thái vơ vẩn như đang ở trong vòng tương tư. Đến nỗi chẳng biết làm gì, phải mò sang nhà ông Phan chuyện gẫu.

bà vắng nhà

     “Thôi, chiều nay ta sẽ sang nhà thắng Bầu chơi với nó và ăn cơm với bố mẹ nó”. Khóa cửa, ông Hưng ra ngõ. Tới đường phố lớn, đang chờ vãn xe cộ để sang bên kia, tới bến xe buýt, ông bỗng nghe thấy tiếng gọi ở phía sau.

     Ngoảnh lại thấy một phụ nữ dong dỏng, mặc bộ váy xám, đi chiếc xe máy màu hồng, trên tay lái ngoắc một chiếc cặp lồng nhôm trắng, tưởng ai, hóa ra mẹ thắng Bầu.

     – Ông đi đâu thế? Con vừa đến nhà thấy cửa khóa, quay ra, may quá gặp ông ở đây. Con đem sang cho ông ít sốt vang để ông ăn tối nay và sáng mai.

     – Trong tủ lạnh còn nhiều thức ăn bà làm sẵn cho ông rồi.

     – Với lại nhà con anh ấy bảo, tối nay anh ấy sẽ đèo xe đưa thằng Bầu sang ngủ, chơi với ông cho ông vui. Mai nó được nghỉ học kỳ mà ông.

     – Thôi, không cần đâu. Với lại tối nay ông còn làm việc. Hẹn viết bài cho mấy tờ báo cơ quan.

     Đúng là có hẹn viết bài cho tờ báo dịp này thật, nhưng chính là gần như là buột miệng nói thế và do vậy ông Hưng mới nhớ ra công việc cần phải làm. Vậy mà oái oăm thay, cuối cùng, ngồi vào bàn, giấy bút đã sẵn sàng cả rồi mà ông cũng chẳng viết được chữ nào. Cảm hứng chưa đến? Tư liệu chưa đầy đủ? Đâu phải! Vì dẫu có thế nào thì cũng vẫn là một nhà báo kỳ cựu, một tay nghề thợ bảy trên bảy tột cùng như ông Phan nói cơ mà. Vậy thì nguyên nhân chính là dư vang bữa cơm tối với các món ăn bà vợ làm sẵn và bát sốt vang con dâu mang sang. Sự sẵn sóc mang tính chất bù đắp lại càng khiến khoảng trống vắng trong tâm tưởng ông hiện lên đau đầu và hết sức rõ ràng. Nhất là khi tivi đã tắt và bên kia đầu điện thoại lại vọng về tiếng chúc ông ngủ ngon của thắng Bầu, đứa cháu nội.

     Ngủ ngon, ông cám ơn cháu, nhưng có lẽ là cả đến một giấc ngủ bình thường cũng còn khó đến với ông, chứ nói gì đến ngủ ngon. Đó là vì ông tuổi đã cao, lại vốn là người hay nghĩ ngợi. Ông nghĩ gần nghĩ xa. Từ ông, ông nghĩ sang người khác. Như mấy hôm nay, ở trong cảnh một thân một mình khi bà vắng nhà, ông mới bỗng như giật mình nghĩ đến cái cảnh bà một mình một bóng những ngày ông đi vắng hồi nào. Chiến tranh, tất cả đàn ông đều cầm súng ra mặt trận cả. Ông, hăm nhăm tuổi, nhập ngũ sau ngày cưới bà một tháng. Và thế là từ đó, biền biệt. Ba năm ở Tây nguyên. Hai năm ở Khu 6. Một năm sáu tháng trên biên giới Tây Nam. Biền biệt, không thư từ tin tức, ngoại trừ ba lần ra Bắc họp tranh thủ tạt về. Ôi, những năm tháng xa cách! Lẽ tất nhiên là tất cả đã qua rồi, nhưng dẫu đã qua rồi thì cũng vẫn phải nhắc lại, vì đó là những năm tháng xa cách mà người phải chịu đựng là bà. Một mình nuôi con. Một mình sống, làm việc. Một mình chống trả lại nỗi cô đơn. Cô đơn đến tột cùng. Chống trả lại bằng sức chịu đựng phi thường, bằng sự gan góc vô song, bằng một nghị lực lớn lao, một tinh thần tự lực dẻo dai hiếm có. Giờ đây nghĩ lại ông như mới hiểu bà, mới như càng thương yêu bà xiết bao.

     Thiếp đi sau cả đêm dài, tỉnh dậy, ông Hưng thấy hai má mình am ám hơi nước lạnh như sương mưa. Đưa tay lên sờ, ông nhận ra đó là nước mắt mình đọng lại từ hồi đêm. Cúc cụ cụ cu cu…cú! Tiếng gù trầm ấm thiết tha của con chim câu bên nhà ông Phan khiến ông lặng đi trong bồi hồi. Con chim nhớ miền quê của nó, một vùng ngãi ba sông nước Bạch Hạc – Việt Trì mênh mông..